Hiện tượng đau mắt đỏ ở trẻ em 1 tuổi, 2 tuổi, 3 tuổi, 4 tuổi,…

29/05/2023
Tác giả:
Tham vấn y khoa:
 
trẻ bị đau mắt đỏ
Trẻ bị đau mắt đỏ tuy lành tính nhưng cha mẹ không được chủ quan

Dấu hiệu nhận biết trẻ bị đau mắt đỏ

Dấu hiệu đặc trưng dễ nhận dạng nhất của bệnh đau mắt đỏ ở trẻ em là mắt và mí mắt trẻ nổi gân đỏ, sưng và nhiều ghèn. Đa số các bé đều bị đỏ một bên mắt trước, sau 24 – 36 tiếng sẽ lan sang bên mắt còn lại. Một số dấu hiệu điển hình trên trẻ bị đau mắt đỏ được thống kê như:

  • Mắt bị nổi gân máu đỏ ở 1 bên hoặc cả 2 bên mắt.
  • Đỏ bất thường xuất hiện đằng sau 2 mí mắt trên và mí mắt dưới.
  • Gỉ mắt(ghèn) xuất hiện ngày càng nhiều, dày đặc bám quanh mắt tạo ra lớp vỏ cứng. Đặc biệt nhiều vào buổi sáng sau khi trẻ thức dậy gây khó khăn cho việc mở mắt.
  • Bé dụi mắt liên tục vì cảm giác ngứa mắt.
  • Mí mắt từ sưng nhẹ dần chuyển sang sưng húp, bị nhức mắt.
  • Nước mắt chảy liên tục không kiểm soát.
  • Gỉ mắt đục, đặc, thường có màu vàng hoặc màu xanh chảy dần ra ngoài.
  • Nhạy cảm hơn với ánh sáng.
  • Bé có thể thấy cộm ở mắt như có cát bay vào mắt.

Các triệu chứng này là đặc trưng, điển hình, bé 1 tuổi, bé 2 tuổi, 3 tuổi hay 4 tuổi bị đau mắt đỏ đều sẽ gặp phải. Thời gian các dấu hiệu xuất hiện thường từ 24 đến 72 giờ sau khi trẻ bị nhiễm bệnh và chúng có thể kéo dài từ 2 ngày đến 3 tuần sau đó.

bé dụi mắt liên tục
Bé dụi mắt liên tục vì tình trạng khó chịu ở mắt

Nguyên nhân gây đau mắt đỏ trẻ em

Hiện tượng đau mắt đỏ ở trẻ em có thể gặp phải ở bất kỳ thời điểm nào ở trong năm nhưng thường phổ biến nhất vào mùa hè đến cuối thu, thường được gọi là mùa đau mắt đỏ. Thời tiết lúc này bất thường đang từ nắng nóng có thể chuyển sang mưa, độ ẩm không khí cao, nhất là ở thời điểm giao mùa.

Khoảng thời gian này, cơ thể chúng ta, đặc biệt là ở trẻ em đề kháng còn yếu, nhạy cảm với thời tiết nên dễ bị bệnh. Cùng với đó, môi trường sống ngày càng ô nhiễm, khói, bụi, vệ sinh kém cùng nguồn nước ô nhiễm… là điều kiện thuận lợi để dịch đau mắt đỏ bùng phát.

nguyên nhân gây đau mắt đỏ ở trẻ
Bệnh đau mắt đỏ ở trẻ em có thể gặp phải ở bất kỳ thời điểm nào trong năm

Nguy cơ cao đau mắt đỏ trẻ em còn do trẻ dưới 5 tuổi đang ở trong độ tuổi mẫu giáo, đi lớp vô tình dùng chung khăn mặt, gối nệm hay chăn với bạn có thể bị lây nhiễm bệnh. Thông thường sẽ có 2 nhóm nguyên nhân chính gây ra bệnh đau mắt đỏ ở trẻ em như sau:

1. Do tác nhân truyền nhiễm

Đau mắt đỏ trong trường hợp này thường do virus hoặc vi khuẩn tấn công. Các tác nhân gây bệnh này rất dễ bị lây lan cho những người tiếp xúc cự ly gần với trẻ như những bé khác học chung lớp, người thân của bé, đặc biệt là người trực tiếp chăm sóc.

Bệnh đau mắt đỏ ở trẻ em do tác nhân truyền nhiễm gây ra khi trẻ tiếp xúc với:

  • Dịch tiết ra từ mắt, mũi hay cổ họng của người mắc bệnh mà bé vô tình sờ, chạm hoặc đứng gần bị ho hay hắt hơi vào người.
  • Thói quen mút ngón tay ở trẻ hoặc ngậm đồ vật, đồ chơi có chứa tác nhân truyền nhiễm.
  • Sử dụng nguồn nước không đảm bảo vệ sinh hoặc cho bé đi bơi ở các bể bơi không đảm bảo sạch khuẩn.
các tác nhân truyền nhiễm
Đau mắt đỏ ở trẻ nhỏ do các tác nhân truyền nhiễm sẽ bị lây nhiễm

Nếu bé bị đau mắt đỏ do các tác nhân truyền nhiễm, bạn tuyệt đối không được để bé dùng chung khăn mặt, cốc uống nước, bát ăn cơm hay thuốc nhỏ mắt, đồ dùng cá nhân với người khác. Lúc này nên cho trẻ nghỉ học và cách ly y tế tại nhà cho đến khi mắt không còn tiết dịch nữa để hạn chế tối đa nguy cơ nhiễm trùng và để tránh lây lan bệnh thành dịch.

2. Do tác nhân gây kích ứng

Dị ứng mắt ở trẻ có thể gây ra biến chứng viêm kết mạc dị ứng. Đau mắt đỏ ở trẻ 1 tuổi hay trẻ lớn hơn thường do bố mẹ vô tình để hóa chất như: Sữa tắm, dầu gội, nước tắm… có chứa các chất kích ứng bắn vào mắt bé gây dị ứng. Hoặc do nhỏ thuốc mắt cho trẻ có thành phần kích ứng gây ra phản ứng sưng, đỏ trên mắt.

Trẻ 1 tuổi hay 2 tuổi, 3 tuổi và 4 tuổi bị đau mắt đỏ dạng này đa phần do cơ địa của trẻ dễ bị dị ứng. Vô tình tiếp xúc với các dị nguyên bên ngoài môi trường như: Lông chó, mèo, phấn hoa, bụi, thời tiết thay đổi… Tưởng chừng như vô hại nhưng lại làm mắt trẻ bị kích ứng khiến mắt trẻ nổi gân đỏ, sưng, chảy nước mắt liên tục.

bé vô tình tiếp xúc với dị nguyên
Dị nguyên gây kích ứng cho mắt có thể khiến bé bị đau mắt đỏ

Tác nhân này không phải do truyền nhiễm nên trẻ bị đau mắt đỏ dạng này không phải là bệnh truyền nhiễm, không có khả năng lây sang cho người khác. Tuy vậy, bệnh sẽ bị tái lại nhiều lần đặc biệt ở những trẻ có tiền sử dị ứng. Ngoài các dấu hiệu đặc trưng xuất hiện trên mắt, trẻ có thể còn bị phát ban trên mặt hoặc toàn thân gây đỏ, ngứa, chảy nước mũi và hắt hơi liên tục. Bé lúc này sẽ dụi mắt rất nhiều.

Khắc phục tình trạng đau mắt đỏ ở trẻ nhỏ

Khi bé có các biểu hiện nghi bị đau mắt đỏ, đặc biệt là đau mắt đỏ trẻ sơ sinh bố mẹ tuyệt đối không được tự xử lý y tế tại nhà vì có thể làm sai cách dẫn đến nhiều hậu quả khôn lường. Lúc này cần đưa trẻ tới các cơ sở y tế chuyên nhãn khoa để khám mắt, bác sĩ sẽ tìm ra nguyên nhân gây bệnh, xác định mức độ và có cách điều trị phù hợp cho từng trường hợp.

  • Bệnh đau mắt đỏ ở trẻ em do virus: thông thường đều là lành tính nếu do tác nhân virus gây ra có thể kéo dài từ 10- 15 ngày và tự khỏi mà không cần phải điều trị y tế. Tuy nhiên, khả năng bé bị tái nhiễm lại rất cao trong trường hợp này nếu không có các biện pháp phòng tránh tích cực cho bé.
  • Trẻ bị đau mắt đỏ do vi khuẩn: Lúc này bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng kháng sinh cho trẻ thông qua đường uống hay dùng luôn tại chỗ với thuốc nhỏ mắt. Nếu bé đáp ứng tốt với thuốc, các dấu hiệu sẽ được cải thiện dần từ 24 – 48 giờ sau khi được sử dụng thuốc. Thông thường đau mắt đỏ do vi khuẩn phải được chỉ định điều trị kháng sinh từ 5 – 7 hôm để tránh tái phát bệnh khi bị đề kháng với kháng sinh.
  • Đau mắt đỏ trẻ em do dị ứng: Trẻ bị nhẹ có thể vệ sinh mắt và chườm lạnh tại nhà giúp thuyên giảm các triệu chứng khó chịu. Với bé bị nặng hơn, đi thăm khám mắt, bác sĩ thông thường sẽ chỉ định sử dụng nhóm thuốc kháng histamin để nhỏ mắt hoặc dùng qua đường uống giúp cho các biểu hiện khó chịu ở mắt nhanh chóng thuyên giảm.
khắc phục đau mắt đỏ ở trẻ em
Trẻ bị đau mắt đỏ có thể được bác sĩ chỉ định dùng thuốc nhỏ mắt chuyên dụng

Đau mắt đỏ trẻ em cần được chăm sóc như nào?

Cùng với những chỉ định điều trị của bác sĩ, quá trình chăm sóc mắt tại nhà cho bé bị đau mắt đỏ rất quan trọng. Bố mẹ hãy ghi nhớ một số lưu ý sau đây để giúp tình trạng khó chịu ở mắt con nhanh chóng thuyên giảm, sức khỏe đôi mắt con nhanh phục hồi cũng như phòng tránh bệnh bị tái nhiễm trở lại:

Cách ly y tế tại nhà

Nếu trẻ bị đau mắt đỏ do các tác nhân truyền nhiễm sẽ rất dễ lây lan thành dịch. Nhiễm trùng mắt ở trẻ có thể bị tái nhiễm lại khi tiếp xúc với người khác cũng đang bị bệnh, dịch tiết ở mắt hay khi ho, hắt hơi vô tình bắn vào người bé.

Vì thế mà cha mẹ nên cách ly y tế riêng cho bé, khi người thân bị lây nhiễm cũng phải cách ly riêng ra, tránh để trẻ tiếp xúc gần. Không để bé dùng chung vật dụng sinh hoạt với người khác, tránh chạm tay vào mặt hay mắt bé. Thường xuyên rửa tay sạch sẽ, đúng cách bằng xà phòng hoặc xịt cồn sát khuẩn lên tay để ngăn chặn tối đa sự lây lan của dịch đau mắt đỏ.

cách ly bé đau mắt đỏ tại nhà
Cách ly trẻ bị đau mắt đỏ tại phòng riêng, dùng riêng đồ dùng sinh hoạt

Vệ sinh mắt bé thường xuyên

Việc vệ sinh mắt thường xuyên cho trẻ bị đau mắt đỏ sẽ giúp thuyên giảm các triệu chứng, giúp bé cảm thấy dễ chịu hơn. Đau mắt đỏ ở trẻ 1 tuổi, mẹ có thể lấy một miếng gạc thấm nước ẩm hoặc nước muối sinh lý trẻ em để lau nước mắt rơi ra hoặc dính dử mắt cho bé.

Hoặc bạn có thể dùng khăn mặt sạch, thấm ướt với nước sạch, lau nhẹ nhàng lên mắt bé, loại bỏ hết ghèn mắt, làm lần lượt từng bên mắt một. Sau khi vệ sinh xong, tốt nhất bạn nên vứt bỏ hết khăn, gạc đã dùng, đánh sạch các thau, chậu và nhớ rửa tay sạch sẽ với xà phòng để hạn chế nguy cơ lây nhiễm hay tái nhiễm cho trẻ.

vệ sinh mắt cho bé
Vệ sinh mắt thường xuyên cho bé sẽ giúp giảm các triệu chứng khó chịu ở mắt

Theo dõi tình trạng mắt trẻ thường xuyên

Đa phần các trường hợp đau mắt đỏ ở trẻ em khi được chỉ định điều trị đúng cách, các triệu chứng sẽ giảm dần và hết sau vài ngày. Trẻ sẽ không còn bị khó chịu ở mắt với các biểu hiện đỏ, sưng, chảy nước mắt, ra gỉ mắt, lúc này có thể trở lại với các hoạt động, sinh hoạt bình thường hàng ngày.

Tuy vậy bạn cần phải theo dõi mắt bé thường xuyên đề phòng biến chứng tại mắt có thể xảy ra. Khi thấy mắt bé có các dấu hiệu bất thường như:

  • Các triệu chứng gia tăng cấp độ nặng hoặc không thuyên giảm sau 10 ngày.
  • Mắt kém, tầm nhìn bị thay đổi.
  • Mắt bị đau, nhức mắt nhiều.
  • Gặp ánh sáng bé bị chói mắt, nhạy cảm nhiều.

Lúc này bạn cần đưa bé đến gặp bác sĩ ngay để thăm khám và có cách xử lý phù hợp để bệnh không gia tăng mức độ nặng thêm, bảo vệ đôi mắt cho con.

đưa bé đi khám khi có bất thường
Khi thấy các dấu hiệu bất thường ở mắt cần đưa trẻ đi khám

Ngoài ra, bạn nên duy trì thói quen khám mắt định kỳ thường xuyên mỗi năm từ 1 – 2 lần cho bé và cho cả gia đình để bảo vệ sức khỏe đôi mắt, tầm soát các bệnh lý ở mắt để có cách phòng tránh cũng như điều trị kịp thời bệnh lý ở giai đoạn sớm, giữ gìn thị lực tốt.

Tóm lại, trẻ bị đau mắt đỏ đa phần là bệnh lý lành tính, bạn hoàn toàn có thể chăm sóc bé tại nhà nếu nắm chắc các thông tin quan trọng trên đây. Quan trọng nhất là việc phòng tránh lây nhiễm để bảo vệ sức khỏe cả nhà và tránh khiến bệnh bùng phát thành dịch lớn. Chia sẻ bài viết với người thân, bạn bè để có thêm nhiều kiến thức quan trọng trong cuộc sống bạn nhé!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *