Chấn thương đụng dập nhãn cầu: Dấu hiệu, nguyên nhân, cách xử lý

21/11/2022
Tác giả:
Tham vấn y khoa:
 
Chấn thương đụng dập nhãn cầu
Chấn thương đụng dập nhãn cầu gây ra nhiều thương tổn cho mắt

Chấn thương đụng dập nhãn cầu có nguy hiểm không?

Chấn thương đụng dập nhãn cầu là tổn thương nghiêm trọng và nguy hiểm tại mắt thướng do một tác động ngoại lực gây sức ép mạnh và đột ngột vào mắt gây ảnh hưởng tới toàn bộ cấu trúc nội nhãn bên trong. Các bộ phận trong mắt đều sẽ bị tác động chèn, ép , rung động, dịch chuyển, vỡ rách… tùy vào mức độ chấn thương từ nhẹ đến nặng có thể gây mù lòa vĩnh viễn nếu không được xử lý kịp thời.

Các thương tổn do bị đụng dập nhãn cầu thường diễn biến phức tạp nhưng lại không cấu thành vết thương rõ rệt để chúng ta có thể quan ở phần trước của nhãn cầu nên thường bị bỏ qua. Tùy vào cấp độ chấn thương, sau khi nhãn cầu bị đụng dập, các tổ chức bên trong mắt có thể phát sinh bệnh lý thứ phát do bị rối loạn tuần hoàn, điều tiết, dinh dưỡng cùng những viêm nhiễm do bị chấn thương gây ra.

Vì vậy, khi gặp phải chấn thương mắt gây đụng dập nhãn cầu, người bệnh nên nhanh chóng tới các bệnh viện chuyên khoa mắt để được thăm khám, kiểm tra, chẩn đoán và có biện pháp điều trị thích hợp, bảo tồn thị lực.

Chấn thương đụng dập nhãn cầu có nguy hiểm không?
Chấn thương đụng dập nhãn cầu có thể gây mất thị lực vĩnh viễn

Các hội chứng chấn thương do đụng dập nhãn cầu

Chấn thương đụng dập nhãn cầu tùy vào sức ép, tác động ngoại lực, nhẹ hơn có thể ảnh hưởng chỉ ở phần trước của nhãn cầu gây ra hội chứng chấn thương ở phần trước. Với những trường hợp nặng, sức ép lớn truyền qua khối xương mặt hay bị va chạm mạnh vào đầu gây thương tổn tổ chức bên trong nhãn cầu, hình thành hội chứng chấn thương phần sau nhãn cầu.

Chấn thương đụng dập nhãn cầu phần trước do một phần dây chằng Zin bị ảnh hưởng. Một số thương tổn thường gặp như: Rách mí, tổn thương kết mạc, giác mạc, viêm mống mắt thể mi, xuất huyết tiền phòng, sa lệch thủy tinh thể…

Chấn thương đụng dập nhãn cầu phần sau khi bị tác động lực lớn có thể gây ra thương tổn nếu nhẹ có thể gây phù hoàng điểm, nặng có thể khiến người bệnh bị rách mạch mạc, võng mạc, bong võng mạc, tổn thương thần kinh thị giác, xuất huyết dịch kính.

Đụng dập mí mắt

Tổn thương này gây bầm tím xung quanh mắt, có thể phổ biến ở nhiều bệnh cảnh khác nhau. Thường đụng dập mí mắt không gây nhiều thương tổn trong mắt nhưng ảnh hưởng nhiều về thẩm mỹ. Tổn thương này có thể khắc phục đơn giản bằng biện pháp chườm lạnh liên tục trong 2 ngày đầu sau chấn thương.

Ngoài ra, đụng dập có thể gây rách mí, nếu ở mức độ nhẹ chưa gây ra những thương tổn rõ rệt cho bờ mi hay sụn mi, bác sĩ có thể chỉ định khâu bằng chỉ chuyên dụng hoặc phẫu thuật tái tạo rách có gây xâm lấn ở bờ mi để đảm bảo an toàn cho quá trình hồi phục và tránh gây khuyết cho bờ mi. Nếu rách phức tạp hơn sẽ cần đến những cuộc phẫu thuật bởi các bác sĩ chuyên nhãn khoa.

Đụng dập mí mắt
Đụng dập gây bầm tím xung quanh mí mắt

Tổn thương kết mạc

Đây là một hội chứng của thương tổn ở phần trước của mắt. Tùy vào cấp độ, đụng dập nhãn cầu có thể gây ra một số biến chứng ở kết mạc như:

  • Xước kết mạc: Tổn thương này ở biểu mô kết mạc thường ít gây đau đớn so với mất biểu mô ở giác mạc. Biểu hiện thường gặp là kích thích, chảy nước mắt không kiểm soát.
  • Phù kết mạc: Biến chứng này có thể gặp phải ở tất cả các loại chấn thương mắt, thường không gây nguy hiểm nếu chỉ xuất hiện đơn thuần. Tuy vậy, đa phần phù kết mạc lại là dấu hiệu đi kèm với những thương tổn nghiêm trọng hơn ở mắt. Ở trường hợp này bác sĩ có thể chỉ định sử dụng nhóm thuốc chống viêm corticoid giúp giảm phù kết mạc.
  • Rách kết mạc: Với tổn thương này, bác sĩ cần kiểm tra mắt bệnh nhân xem có bị rách củng mạc dưới không. Nếu rách nhỏ bệnh nhân thường không cần khâu, vệ sinh sạch và dùng thuốc kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ, rách lớn sẽ phải khâu theo đúng bình diện giải phẫu.
  • Xuất huyết kết mạc: Xuất hiện vết máu đỏ tươi và di chuyển cùng kết mạc. Xuất huyết dưới kết mạc thường đi kèm với biểu hiện rách, phù kết mạc. Thương tổn này có thể thuyên giảm dần và tự hết sau vài tuần. Tuy nhiên nếu xuất huyết kết mạc đi kèm với những dấu hiệu bất thường khác ở mắt như nhãn áp thấp, tiền phòng sâu, mống mắt nghiêng về sau… có thể là cảnh báo của tình trạng cấp cứu vỡ nhãn cầu.
Tổn thương kết mạc
Kết mạc gặp phải nhiều thương tổn khi bị đụng dập nhãn cầu

Tổn thương giác mạc

Chấn thương đụng dập nhãn cầu có thể gây ra một số thương tổn ở giác mạc như:

  • Xước giác mạc: Bệnh nhân thường có cảm giác đau nhức mắt dữ dội, cộm, xốn, nhạy cảm với ánh sáng, chảy nước mắt liên tục…
  • Phù giác mạc: Thương tổn thường nằm ở nội mô và biểu mô với những biểu hiện của nếp gấp hoặc vết rạn ở giác mạc gây phù đục và suy giảm thị lực.
  • Dị vật giác mạc: Bệnh nhân sẽ được khám với đèn khe để xác định độ sâu của dị vật bên trong giác mạc xem có xuyên qua hết giác mạc và vào đến tiền phòng không. Nếu dị vật vào đến tiền phòng cần phẫu thuật lấy dị vật.
  • Rách giác mạc: Rách giác mạc nhỏ thường tự liền nếu được điều trị với kháng sinh tra mắt, rách rộng, bẩn, khả năng tự liền thấp bác sĩ sẽ làm sạch vết rách rồi khâu lại giác mạc hoặc sử dụng hồ dán giác mạc chuyên dụng.
Tổn thương giác mạc
Đụng dập mắt gây thương tổn giác mạc

Viêm mống mắt, thể mi

Sau đụng dập, mống mắt hoặc thể mi có thể gặp phải thương tổn, viêm nhiễm. Một số dấu hiệu đặc trưng của người bệnh khi gặp phải tình trạng này như:

  • Kích ứng ở mắt.
  • Nhạy cảm với ánh sáng.
  • Nước mắt chảy không kiểm soát.
  • Mắt kém thị lực.
  • Đau nhức mắt

Rối loạn chức năng ở thể mi thường khiến cho nhãn áp bị giảm. Điều trị tình trạng này bác sĩ thường cho bệnh nhân dùng kết hợp thuốc liệt thể mi và nhóm thuốc chống viêm steroid.

Viêm mống mắt, thể mi
Sau đụng dập, mống mắt hoặc thể mi có thể gặp phải thương tổn, viêm nhiễm

Xuất huyết tiền phòng

Tiền phòng bị xuất huyết có thể gây ra biến chứng chảy máu tái phát, cướm nước, ngấm máu vào giác mạc, hậu quả sau cùng có thể gây mù lòa vĩnh viễn. Khi kiểm tra thị lực người bệnh sẽ bộc lộ các mức xuất huyết hoặc máu cục nằm ở bên trong góc tiền phòng. Xuất huyết tiền phòng có thể khiến cho nhãn áp bị tăng đột ngột sau thương tổn vài giờ, vài tháng hoặc thậm chí vài năm.

Gãy, vỡ xương hốc mắt

Chấn thương này thường xảy ra khi bị một vật tù va đạp mạnh vào mắt gây sang chấn. gãy hoặc vỡ các thành phần của hốc mắt ở một trong các thành yếu nhất, đa phần là sàn hốc mắt. Cùng với những thương tổn ở hốc mắt có thể đi kèm với xuất huyết, biến chứng tụt, kẹt nhãn cầu, hệ thống thần kinh xuống dưới hố, đi kèm phù mi hay tụ máu hốc mắt.

Biểu hiện thường gặp ở hội chứng này bao gồm:

  • Đau hốc mắt, đau mặt.
  • Tầm nhìn đôi.
  • Mắt bị lồi.
  • Chảy máu có màu cam, tràn khí dưới da.
  • Má, mi trên gần như bị tê liệt.

Tùy vào mức độ thương tổn, bệnh nhân bị gãy, vỡ xương hốc mắt sẽ được chỉ định mổ, sử dụng thuốc co mạch, kháng viêm, kháng sinh.

Gãy, vỡ xương hốc mắt
dập mạnh gây vỡ, gãy xương hốc mắt

Tổn thương thủy tinh thể

Các thương tổn ở thủy tinh thể bao gồm đục và lệch thể thủy tinh. Chấn thương đụng, dập nhãn cầu có thể khiến một phần hoặc toàn bộ dây chằng Zin bị đứt gây sa lệch thủy tinh thể sau chấn thương. Lúc này thể thủy tinh của người bệnh có thể bị lệch ra tiền phòng, rơi ra ngoài nhãn cầu hoặc sa vào buồng dịch kính.. Lệch thủy tinh thể có thể gây ra biến chứng tăng nhãn áp, loạn dưỡng giác mạc…

Sau đụng dập nhãn cầu, thể thủy tinh có thể bị đục sớm hoặc muộn sau đó một thời gian. Khi mắt bị tác động đụng, dập mạnh khiến cho bao thể thủy tinh có thể bị rạn hoặc bị vỡ khiến đục thủy tinh thể tiến triển nhanh hơn bình thường. Vỡ bao có thể khiến cho các chất bên trong thủy tinh thể thoát ra ngoài tiền phòng gây viêm mống mắt thể mi hay xuất hiện bệnh tăng nhãn áp thứ phát.

Thương tổn ở dịch kính

Đây là một hội chứng chấn thương ở sau mắt do đụng dập nhãn cầu. Thương tổn dịch kính thường gặp phải như:

  • Thoát dịch kính: tác động của ngoại lực mạnh có thể khiến cho màng hyaloid bao bọc bên ngoài dịch kính bị vỡ khiến dịch kính thoát ra ngoài tiền phòng. Dịch kính tràn ra phía trước có thể tạo ra sự co kéo lên võng mạc gây rách võng mạc.
  • Nhổ nền dịch kính: Biến chứng này thường xuất hiện sau sự co kéo đột ngột của vùng dịch kính. Dưới tác động của lực đụng dập mạnh, vùng nền của dịch kính có thể bị bong ra khỏi vị trí ban đầu.Kiểm tra mắt sẽ thấy một dải màu trắng xám bị treo ngược trong buồng dịch kính ở vùng chu biên.
  • Bong dịch kính sau: Đây là hiện tượng mất đi sự tiếp xúc giữa lớp vỏ của dịch kính cùng với lớp màng ngăn ở bên trong của võng mạc. Bong dịch kính sau sẽ đẩy nhanh các thoái hóa khác của dịch kính, hóa lỏng dịch kính, tách lớp dịch kính…
  • Xuất huyết dịch kính: Dịch kính là một bộ phận không có mạch máu nên xuất hiện dịch kính được cấu thành do các tổn thương của bộ phận lân cận. Xuất huyết dịch kính được đánh giá là một tổn thương nặng vì điều trị tiêu máu thường gặp nhiều khó khăn. Nếu bệnh nhân không được can thiệp cắt dịch kính kịp thời sẽ gây suy giảm thị lực nhanh.
Thương tổn ở dịch kính
Chảy máu dịch kính là một tổn thương phức tạp

Đụng dập võng mạc

Đụng dập võng mạc là chấn thương đụng dập nhãn cầu phổ biến nhất gây tổn thương ở võng mạc. Biểu hiện của bệnh sẽ tăng dần lên vào 24 giờ sau thương tổn. Tùy vào vị trí thương tổn, nếu ở khu trú hay hoàng điểm thị lực sẽ bị suy giảm nghiêm trọng. Còn nếu tổn thương nằm ở vùng khác như chu biên thì đa phần thị lực không bị ảnh hưởng nhiều.

Chấn thương đụng dập nhãn cầu có thể gây ra một số thương tổn khác ở võng mạc như: Rách võng mạc, lỗ hoàng điểm, xuất huyết võng mạc, tắc mạch võng mạc.

Đứt dây thần kinh thị giác

Những chấn thương với tác động ngoại lực mạnh có thể khiến dây thần kinh thị giác bị giật mạnh về phía sau và nhãn cầu bị xoay mạnh về phía trước. Đứt dây thần kinh thị giác thường gặp ở những vết thương xuyên nhãn cầu hoặc do nhãn áp trong mắt tăng cao đột ngột gây rách lá sàng. Người bệnh thường mất thị lực ngay khi bị đứt thị thần kinh.

Đứt dây thần kinh thị giác khi khám mắt sẽ thấy xuất hiện một hố trũng ở đầu các dây thần kinh thị giác đi kèm với xuất huyết võng mạc ở cực sau.

Đứt dây thần kinh thị giác
Người bệnh thường mất thị lực ngay khi dây thần kinh thị giác bị đứt

Cần làm gì khi gặp hội chứng do chấn thương nhãn cầu?

Đôi mắt của chúng ta vốn là bộ phận nhạy cảm nhất cơ thể và rất dễ gặp phải thương tổn, nhất là những chấn thương do đụng dập nhãn cầu. Có những thương tổn quan sát bằng mắt thường chúng ta có thể phát hiện ra luôn. Nhưng cũng có những chấn thương ở sâu bên trong mắt, không thể quan sát được diễn biến phức tạp nhưng chúng ta lại bỏ qua chúng.

Đa phần các tổn thương ở mắt do đụng dập nhãn cầu gây ra nếu không được thăm khám, xử trí kịp thời có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm, hậu quả cuối cùng là mất thị lực vĩnh viễn. Vì vậy, khi bị chấn thương đụng dập nhãn cầu, bệnh nhân nên nhanh chóng đến các cơ sở y tế chuyên nhãn khoa để thăm khám và có phác đồ điều trị cho từng tình trạng cụ thể.

Một số xử trí tại nhà trước khi đi cấp cứu sau đây sẽ giúp bạn hạn chế tình trạng thương tổn ở mắt gia tăng cấp độ nặng thêm đồng thời giúp các bước xử lý tiếp theo từ chuyên gia dễ dàng, thuận lợi hơn:

  • Nghỉ ngơi, hạn chế vận động, đi lại.
  • Uống thật nhiều nước.
  • Nằm ở tư thế kê cao đầu có thể giúp người bệnh cầm máu trong trường hợp bị xuất huyết.
  • Lấy gạc y tế nhẹ nhàng băng phần mắt bị thương tổn lại. Các thao tác phải nhớ thật nhẹ nhàng, không cố ép chặt mắt. tác động mạnh có thể khiến tình trạng thương tổn trầm trọng thêm.
Băng mắt nhẹ nhàng rồi nhanh chóng tới bệnh viện mắt để thăm khám

Sau đó, người bệnh cần nhanh chóng di chuyển đến các cơ sửo y tế chuyên nhãn khoa gần nhất để được cấp cứu, thăm khám. Tùy tình trạng ở mắt, bệnh nhân sẽ được chỉ định điều trị nội khoa hay phẫu thuật.

Với những chấn thương đụng dập nhãn cầu đa phần đều là những tổn thương nặng, dù có được xử trí kịp thời thì nguy cơ mắc phải những di chứng về sau vẫn rất cao. Và một khi thị lực đã bị thương tổn do đụng dập, mọi can thiệp chỉ giúp bảo tồn phần thị lực còn lại chứ khả năng hồi phục ở mắt như ban đầu là rất thấp. Tình trạng mắt bị mờ sau chấn thương là không thể tránh được.

Vậy dập nhãn cầu mắt có chữa được không còn phụ thuộc vào mức độ và vùng thương tổn. Trong bất cứ trường hợp nào bệnh nhân đều cần nhanh chóng đến bệnh viện mắt để được xử lý kịp thời. Những người từng bị tổn thương ở mắt do đụng dập nhãn cầu cần đi thăm khám mắt định kỳ, thường xuyên để theo dõi tình trạng mắt cũng như phát hiện sớm những di chứng có thể xảy ra.

Tóm lại, trên đây là toàn bộ những thông tin chi tiết về chấn thương đụng dập nhãn cầu. Thương tổn nặng nề này ở mắt có thể gây mất thị lực vĩnh viễn nếu người bệnh không được khắc phục, xử lý kịp thời. Hy vọng bài viết sẽ mang lại cho bạn những thông tin hữu ích. Nếu bạn cần tư vấn, hỗ trợ thêm hãy liên hệ ngay với chúng tôi nhé!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *