Loạn thị ở trẻ nhỏ: Biểu hiện, cách chữa và phòng ngừa

28/02/2023
Tác giả:
Tham vấn y khoa:
 
Trẻ bị loạn thị
Trẻ bị loạn thị cần được phát hiện kịp thời và có biện pháp can thiệp phù hợp

Tìm hiểu về tật loạn thị ở trẻ em

Loạn thị là tật khúc xạ thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, xảy ra khi trẻ nhìn các vật bị mờ ở mọi khoảng cách, hình ảnh trẻ quan sát được bị mờ, nhòe, méo mó. Tức là hệ thống quang học ở mắt trẻ không thể quy tụ hình ảnh rõ nét của một vật trên một bình diện, cụ thể ở đây là võng mạc.

Ở những người bình thường, giác mạc có hình cầu, hình ảnh thu được trong mắt sẽ hội tụ tại một điểm trên võng mạc. Với trẻ bị loạn thị, giác mạc biến dạng, có độ cong khác nhau, hình ảnh mắt thu được sẽ hội tụ tại nhiều điểm trên võng mạc khiến cho hình ảnh bị nhòe, mờ, không rõ nét.

Tìm hiểu về tật loạn thị ở trẻ em
Loạn thị là tật khúc xạ thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Trẻ mắc loạn thị thường đi kèm với tật cận thị và viễn thị. Những tật khúc xạ ở mắt này không thể tự phục hồi theo thời gian, nếu không được phát hiện và có các biện pháp can thiệp kịp thời chúng sẽ chuyển nặng dần theo thời gian, gây suy giảm thị lực, thậm chí mất thị lực vĩnh viễn.

Loạn thị ở trẻ nhỏ có nguy hiểm không?

Loạn thị ở trẻ em nếu không được phát hiện sớm và có các biện pháp can thiệp, chăm sóc mắt phù hợp có thể biến chứng sang nhược thị là một trong các bệnh về mắt ở trẻ em gây nguy hiểm, suy giảm thị lực không thể cải thiện được bằng việc dùng kính. Mức độ nguy hiểm của tật loạn thị ở mắt trẻ thường được đánh giá qua các cấp độ:

  • Cấp độ nhẹ: Trẻ bị loạn thị dưới 1D được xem là cấp độ nhẹ, thường không gây ảnh hưởng đến thị lực của bé nên không cần phải can thiệp các biện pháp hỗ trợ thị lực. Tuy nhiên, cha mẹ cần đưa con đi thăm khám mắt định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ để theo dõi tình trạng cũng như có biện pháp chăm sóc mắt phù hợp.
  • Cấp độ trung bình: Trẻ bị loạn thị từ 1D trở lên, lúc này bé có thể bị nhức mắt, khó chịu, thị lực suy giảm gây ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày. Ở cấp độ trung bình, trẻ cần đeo kính để hỗ trợ tầm nhìn thường xuyên.
  • Cấp độ nặng: Độ loạn thị từ 2D trở lên được xem là loạn thị nặng, trẻ bị suy giảm thị lực nghiêm trọng, cuộc sống, sinh hoạt bị ảnh hưởng nhiều. Loạn thị nặng nếu không được can thiệp, khắc phục kịp thời sẽ biến chứng sang nhược thị, hậu quả cuối cùng là mù lòa vĩnh viễn.
Loạn thị ở trẻ nhỏ có nguy hiểm không?
Mức độ nguy hiểm của tật loạn thị ở mắt trẻ thường được đánh giá qua các cấp độ

Tật loạn thị có thể gây ra nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, sinh hoạt của trẻ. Tuy nhiên, đa phần các bé còn nhỏ chưa thể tự nhận định được tầm nhìn suy giảm, mức độ nghiêm trọng ở mắt. Lúc này rất cần sự quan tâm, sát sao của cha mẹ, theo dõi con trong các hoạt động thường ngày để phát hiện các dấu hiệu bất thường, đưa trẻ đi khám mắt kịp thời để tránh xảy ra những biến chứng nguy hiểm.

Nguyên nhân gây loạn thị trẻ em

Đa phần nguyên nhân gây loạn thị ở trẻ em là do sự biến dạng méo mó, bất thường của giác mạc. Cho đến nay, các chuyên gia nhãn khoa vẫn chưa thể xác định rõ nguyên nhân gây ra sự bất thường trong cấu trúc mắt này. Ngoài ra, một số yếu tố dưới đây có thể gia tăng khả năng mắc tật loạn thị ở mắt trẻ:

  • Di truyền: Trẻ sinh ra có người thân trong gia đình mắc loạn thị, đặc biệt là cha mẹ thì nguy cơ cao sẽ bị di truyền tật khúc xạ này, hình thành loạn thị bẩm sinh.
  • Biến chứng của cận thị, viễn thị: Nếu trẻ đang gặp các tật khúc xạ khác ở mắt thường sẽ đối diện với nguy cơ cao biến chứng sang loạn thị.
  • Sẹo giác mạc: Nếu trẻ có tiền sử bị chấn thương mắt để lại sẹo giác mạc sẽ dễ gặp phải biến chứng loạn thị.
  • Tiền sử phẫu thuật mắt: Trẻ đã từng trải qua các cuộc phẫu thuật bệnh lý khác ở mắt cũng có thể trở thành một dạng thương tổn, gia tăng nguy cơ mắc tật loạn thị.

>>>>Có thể bạn quan tâm: Tại sao bị loạn thị? 7 nguyên nhân phổ biến

Nguyên nhân gây loạn thị trẻ em
Đa phần nguyên nhân gây loạn thị ở trẻ em là do sự biến dạng méo mó, bất thường của giác mạc

Tuy có một số chuyên gia nhận định rằng tật loạn thị không liên quan đến thói quen sinh hoạt hay mức độ sử dụng mắt của trẻ nhưng cũng không thể phủ nhận được các tác động của nhiều yếu tố khác như: Chế độ dinh dưỡng thiếu chất, sử dụng các thiết bị điện từ quá nhiều, chăm sóc mắt không đúng cách… có thể góp phần gia tăng tỷ lệ loạn thị ở trẻ.

Dấu hiệu bị loạn thị ở trẻ nhỏ

Dấu hiệu loạn thị đặc trưng nhất ở mắt trẻ là nhìn mờ ở mọi khoảng cách, hình ảnh bị mờ, nhòe, biến dạng, tầm nhìn đôi, nhìn một vật thấy hai hoặc ba bóng mờ. Ngoài ra, trẻ có thể đi kèm một số triệu chứng khác như: Nhức mắt, mỏi mắt, đau đầu, nhạy cảm với ánh sáng, nước mắt chảy không kiểm soát.

Tuy nhiên, trẻ nhỏ thường chưa thể tự ý thức, nhận biết được các dấu hiệu cảnh báo bất thường ở mắt. Cha mẹ cần theo dõi, quan sát con từ những thói quen sinh hoạt hàng ngày để phát hiện các triệu chứng bất thường, kịp thời đưa trẻ đi khám mắt để phát hiện sớm tật loạn thị:

  • Trẻ thường xuyên dùng tay để che bớt một mắt khi tập trung làm các công việc tỉ mỉ như đọc sách, xem tivi… thì rất có thể bé đã mắc loạn thị bởi tật này khiến cho trẻ khó khăn khi tập trung quan sát các vật trước mắt.
  • Trẻ thường xuyên nheo mắt để quan sát đồ vật.
  • Bé thường phải nghiêng đầu hay xoay đầu sang một bên, cố gắng làm mọi cách giúp điều chỉnh thị lực nhìn mờ của mình.
  • Con nhạy cảm hơn với ánh sáng. Trẻ có xu hướng nheo mắt, khó chịu khi tiếp xúc với ánh sáng chói. Tật loạn thị thường khiến trẻ khó khăn khi lọc ánh sáng.
  • Trẻ ngồi quá gần khi xem ti vi, dí mắt sát vào trang sách khi đọc.
  • Bé có dấu hiệu mỏi mắt, nhức đầu xung quanh vùng trán và thái dương sau khi tập trung quan sát đồ vật trong một khoảng thời gian dài.
Dấu hiệu bị loạn thị ở trẻ nhỏ
Quan sát thấy trẻ ngồi rất gần khi xem TV

Khi phát hiện những dấu hiệu bất thường trong các hoạt động hàng ngày của trẻ, bố mẹ cần trao đổi với con để hiểu rõ tình trạng thị lực, nếu con chưa tự nhận thức được vấn đề thị lực của mình hay đưa trẻ đi kiểm tra, khám mắt để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Loạn thị ở trẻ em có chữa được không?

Hiện chưa có phương pháp nào được công nhận có thể điều trị dứt điểm tật loạn thị ở trẻ em. Tùy vào tình trạng mỗi bé gặp phải, bác sĩ có thể chỉ định trẻ đeo kính thuốc hoặc kính Ortho K nhằm mục đích kiểm soát độ loạn, cải thiện thị lực cho trẻ, không để bị giảm sút quá nặng.

Chẩn đoán tật loạn thị cần được thực hiện bởi các bác sĩ chuyên nhãn khoa cùng hệ thống máy móc hiện đại. Hai cách khắc phục loạn thị ở trẻ em thường được bác sĩ chỉ định như sau:

  • Đeo kính thuốc: Sử dụng kính loạn thị giúp trẻ cải thiện thị lực, bù đắp những hình dạng không đồng đều ở mắt, giúp các tia sáng hội tụ tại một điểm tạo thành hình ảnh sắc nét hơn. Có hai loại kính phổ biến dành cho trẻ loạn thị là kính gọng và kính áp tròng. Tùy tình trạng của bé, bác sĩ sẽ tư vấn loại kính phù hợp.
  • Sử dụng kính Ortho K: Phương pháp này sử dụng kính áp tròng cứng, đeo vào ban đêm khi trẻ đi ngủ nhằm định hình giác mạc tạm thời. Khi thức dậy vào sáng hôm sau, mắt của trẻ có thể nhìn sáng rõ hơn, duy trì thị lực tốt suốt cả ngày. Sử dụng kính Ortho K ở trẻ cần có sự hỗ trợ của bố mẹ, kiên trì cùng con thời gian dài giúp đạt kết quả cao nhất.
Loạn thị ở trẻ em có chữa được không?
Bác sĩ có thể chỉ định trẻ đeo kính thuốc hoặc kính Ortho K nhằm mục đích kiểm soát độ loạn

Ngoài ra, phẫu thuật được xem là phương pháp xóa loạn thị hiệu quả nhất hiện nay, tuy nhiên người đủ 18 tuổi mới đạt đủ điều kiện phẫu thuật, không phải phương pháp giúp trị loạn thị ở trẻ.

Cha mẹ cần làm gì giúp trẻ giảm thiểu nguy cơ mắc loạn thị?

Để giúp giảm thiểu tối đa nguy cơ mắc loạn thị ở trẻ, cha mẹ nên chú ý chăm sóc và bảo vệ mắt cho con. Phụ huynh có thể tham khảo một số biện pháp phòng ngừa loạn thị được chuyên gia khuyên dùng sau đây:

  • Hướng dẫn trẻ ngồi học đúng tư thế thẳng lưng, mặt cách bàn học 30cm. Chú ý lựa chọn bàn ghế học tập phù hợp với độ tuổi của con.
  • Phòng học của con phải đảm bảo đủ điều kiện ánh sáng, không quá tối hoặc ánh sáng quá chói.
  • Cân bằng thời gian học và thời gian vui chơi, giải trí của trẻ. Chuyên gia khuyến cáo nên cho trẻ tham gia các hoạt động ngoài trời tối thiểu 2h mỗi ngày.
  • Thiết lập chế độ dinh dưỡng khoa học, cung cấp đầy đủ các dưỡng chất tốt cho mắt trẻ ngay từ những năm tháng đầu đời như rau xanh, quả mọng chứa nhiều vitamin và chất xơ.
  • Hạn chế cho bé tiếp xúc nhiều với các thiết bị điện tử như máy tính, TV, điện thoại, xây dựng cho con lối sống lành mạnh
  • Thường xuyên để ý, theo dõi hướng nhìn, cử động của mắt trẻ khi quan sát đồ vật. Khi bé lớn hơn, đã nhận thức được vấn đề, bố mẹ có thể hỏi han con về hình ảnh bé nhìn thấy. Nếu phát hiện những bất thường hãy đưa con đi kiểm tra, khám mắt.
  • Thiết lập thói quen khám mắt định kỳ cho con hai lần mỗi năm. Trẻ nhỏ dưới 3 tuổi cần được tầm soát sớm để kiểm tra các các bệnh lý, tật ở mắt do bẩm sinh. Trước khi trẻ đi học cần tầm soát, kiểm tra tật khúc xạ. Khám mắt cho trẻ em là việc cần thiết, cha mẹ nên thực hiện đầy đủ.
Cha mẹ cần làm gì giúp trẻ giảm thiểu nguy cơ mắc loạn thị?
Chuyên gia khuyến cáo nên cho trẻ tham gia các hoạt động ngoài trời tối thiểu 2h mỗi ngày

Nếu phát hiện các dấu hiệu bất thường ở mắt con hãy cho bé đi kiểm tra mắt càng sớm càng tốt để được chẩn đoán và có biện pháp can thiệp phù hợp, gìn giữ thị lực tốt nhất cho con.

Tóm lại, bài viết trên đây đã cung cấp đầy đủ các thông tin liên quan đến loạn thị trẻ em. Hy vọng sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin hữu ích, giúp cha mẹ có cách phòng tránh loạn thị phù hợp cho con. Hãy liên hệ ngay với chúng tôi nếu bạn còn thắc mắc cần được giải đáp, hỗ trợ thêm nhé!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *