Anh Đường cho biết: Con trai anh bị lác bẩm sinh nhưng từ trước đến nay anh vẫn nghĩ lác chỉ liên quan đến thẩm mỹ. Tuy nhiên, càng lớn độ lác càng rõ. Năm nay con anh 7 tuổi, đi học thường xuyên bị bạn bè trêu trọc nên anh quyết định đưa con đi khám. Bác sĩ khuyến cáo nên phẫu thuật sớm, nếu không với độ lác nặng của con như này sẽ dẫn tới giảm dần thị lực (nhược thị).
Còn với chị Hoà (Lương Tài, Bắc Ninh) đưa con đi khám mắt định kỳ vì bị cận thị nặng, số độ tăng nhanh. Bác sĩ cũng khuyến cáo nếu không chăm sóc, điều trị đúng cách có thể dẫn tới nhược thị. “Tôi thực sự hoang mang, cứ nghĩ cận nặng đến đâu thì đeo kính với số độ đến đó. Có thể mắt con nhìn không tinh tường như mọi người nhưng không nghĩ là sẽ dẫn đến bệnh nguy hiểm hơn”, chị Hoà ngạc nhiên.
Chuyên gia Bệnh viện Mắt Thái Hà cho biết: Nhược thị có thể phát triển từ tật khúc xạ, lác hoặc các bệnh lý khác ở mắt.
Đối với trường hợp bị lác mắt, não chỉ tiếp nhận hình ảnh từ mắt có thị lực tốt, bỏ qua hình ảnh từ mắt không nhìn thẳng, lâu dần làm cho thị lực của mắt này trở nên yếu đi, giảm thị lực hay còn gọi là nhược thị.
Trường hợp bị tật khúc xạ, đặc biệt là người bị tật khúc xạ ở hai mắt không giống nhau. Ở mắt có tật khúc xạ nặng hơn có thể nhìn mờ hơn mắt còn lại và từ đó sự phát triển thị giác của mắt nhìn mờ hơn sẽ không bình thường, đây cũng chính là nguyên nhân dẫn tới nhược thị.
Ngoài ra, một số trẻ được sinh ra với những bệnh lý gây nên đục các thành phần trong suốt như giác mạc, thủy tinh thể, dịch kính hay sụp mi… Điều này cũng làm hạn chế sự phát triển của thị giác, cản trở tầm nhìn gây ra nhược thị.
Nguy cơ mất thị lực
Chuyên gia còn cho biết thêm, nhược thị là tình trạng thị lực của một hoặc cả hai mắt bị giảm do não không nhận được hình ảnh rõ nét từ mắt. Nếu không được phát hiện và điều trị sớm, nguy cơ giảm thị lực không hồi phục kể cả khi đã được điều trị nguyên nhân.
Nhược thị thường không có triệu chứng và chỉ được phát hiện khi trẻ được khám mắt tổng quát. Vì trẻ rất nhỏ thường không nhận thấy hoặc không thể diễn đạt, nhận thức được thị lực khác biệt ở một bên mắt.
Khi một trong hai mắt bị giảm thị lực có thể gây cản trở đến công việc, học tập và sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ. Khả năng cảm nhận chiều sâu sẽ kém hơn khi chỉ nhìn bằng một mắt, điều này trực tiếp ảnh hưởng tới việc lựa chọn nghề nghiệp của trẻ sau này.
Không phải dấu hiệu nào cũng rõ ràng và nhìn ra được bằng mắt thường nếu không cẩn thận chú ý quan sát. Việc trẻ được khám mắt sớm sẽ giúp phát hiện sớm và tăng tỷ lệ thành công khi điều trị nhược thị.
Đối với trẻ nhỏ nên kiểm tra, thăm khăm định kỳ để phát hiện sớm nguy cơ nhược thị. Còn đối với trẻ đã bị nhược thị nên điều trị tích cực trước 8 tuổi. Bởi sau 8 tuổi hệ thống thị giác của trẻ gần như hoàn thiện, việc điều trị sẽ khó khăn và đạt hiệu quả thấp hơn.