Trang chủ » Dịch vụ » Tổng quan về mộng thịt và phương pháp điều trị
Tổng quan về mộng thịt và phương pháp điều trị
08/11/2023
Share:
Mộng thịt có thể gây nên tình trạng mất thẩm mĩ mắt đồng thời ảnh hưởng đến thị lực, tầm nhìn của người bệnh. Do đó, khi có dấu hiệu của mộng thịt cần nhanh chóng đến cơ sở y tế chuyên khoa thăm khám, xác định, loại trừ bệnh và tiến hành điều trị kịp thời, tránh để tình trạng bệnh kéo dài ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người bệnh.
Mộng thịt là gì?
Mộng thịt ở mắt là tình trạng mô kết mạc (lớp màng mỏng phủ trên tròng trắng) phát triển bất thường và xâm nhập vào phía trước giác mạc (tròng đen). Nó thường xảy ra ở phần khe mi phía bên mũi của mắt, nhưng đôi khi cũng có thể xảy ra ở phần mắt phía bên tai.
Mộng thịt thường phát triển rất chậm trong nhiều năm, hay gặp ở những người thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
Triệu chứng gặp phải khi có mộng thịt
Gây khó chịu ở mắt, đặc biệt là khô mắt và cảm giác cộm, xốn, ngứa mắt,..
Thị lực giảm, nhìn mờ, nhìn hình méo và nhòe (xâm lấn vào giác mạc nhiều).
Gây mất thẩm mỹ cho đôi mắt (tuy nhiên không khuyến cáo phẫu thuật mộng thịt chỉ vì lý do thẩm mỹ)
Gây ra loạn thị do biến đổi hình dạng giác mạc. Người bị đục thủy tinh thể cần phẫu thuật xử lý mộng thịt trước khi tiến hành thay thủy tinh thể, ngay cả khi mộng thịt đã tồn tại nhiều năm và không gây ra triệu chứng gì.
Mức độ phát triển của khối mộng thịt này tùy thuộc vào mỗi người, phản ứng viêm đỏ nhiều hay ít, công việc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời,.. do đó khó mà đánh giá được sự lan rộng của nó.
Nguyên nhân xuất hiện mộng thịt
Hiện chưa có bất kỳ kết luận nào khẳng định được nguyên nhân gây ra mộng thịt trong mắt. Tuy nhiên dựa theo một số kết quả, các nhà nghiên cứu đã thống kê ra các vấn đề có nguy cơ ảnh hưởng đến khả năng mắc bệnh này đó là mắt tiếp xúc ánh sáng mặt trời trực tiếp liên tục hoặc bạn thường xuyên bị khô mắt.
Nguyên nhân gồm các yếu tố nội sinh và ngoại sinh:
Yếu tố nội sinh: di truyền, khô mắt, viêm kết mạc mạn tính, thiếu vitamin A.
Yếu tố ngoại sinh: môi trường, tiếp xúc nhiều với ánh nắng, gió bụi hoặc các chất dễ gây dị ứng như phấn hoa, lông động vật, khói thuốc…
Ngoài ra, thói quen sinh hoạt cũng có ảnh hưởng không nhỏ đến vấn đề này. Việc mắt tiếp xúc chất bẩn từ bụi hay phấn hoa có thể dẫn đến mộng thịt. Ban đầu sẽ là kích ứng, lâu dần khối mộng ngày càng lớn lên.
Điều trị mộng thịt
Mộng thịt thường không cần điều trị cho đến khi triệu chứng đủ nặng. Khi mộng thịt trở nên đỏ và bị kích thích, thuốc nhỏ mắt bôi trơn, thuốc mỡ hoặc thuốc nhỏ mắt có chứa corticoid loại nhẹ có thể được sử dụng để giúp làm giảm viêm.
Nếu mộng thịt trở nên đủ lớn ảnh hưởng đến thị lực hoặc gây khó chịu dai dẳng, chúng có thể được phẫu thuật cắt bỏ.
Trước đây, thường phẫu thuật cắt bỏ mộng thịt đơn thuần, tỷ lệ tái phát cao 30% – 80% nên vấn đề chỉ định phẫu thuật có phần hạn chế, phẫu thuật thường có nguy cơ ảnh hưởng đến thị lực.
Ngày nay có nhiều phương pháp phẫu thuật như: Ghép kết mạc tự thân, Ghép màng ối, Ghép tế bào mầm, Áp thuốc chống phân bào, keo sinh học fibrin… Tỷ lệ tái phát thấp khoảng 3% – 5%. Các bác sĩ có thể chỉ định mổ cắt mộng từ các giai đoạn khá sớm để mang lại thẩm mỹ cho bệnh nhân.
Quy trình cắt mộng ghép kết mạc tự thân
Một cuộc phẫu thuật cắt bỏ mộng thịt thường kéo dài khoảng 45 phút.
Người bệnh sẽ được gây tê tại chỗ: gây tê bề mặt mắt bằng thuốc nhỏ và tiêm thuốc gây tê dưới kết mạc. Người bệnh hoàn toàn tỉnh táo và có thể di chuyển mắt để hỗ trợ bác sĩ phẫu thuật mà không cảm thấy đau.
Trong trường hợp người bệnh căng thẳng và khó hợp tác, cần trao đổi với bác sĩ để đổi sang phương pháp gây mê toàn thân: người bệnh sẽ ngủ trong suốt thời gian làm thủ thuật để đảm bảo an toàn phẫu thuật.
Các bước phẫu thuật mộng thịt được tiến hành như sau:
Bước 1: Tách mộng thịt ra khỏi củng mạc và lột sạch khỏi giác mạc, để lại một vùng củng mạc trần và giác mạc trần.
Bước 2: Bác sĩ phẫu thuật sẽ lấy kết mạc ghép từ rìa trên với diện tích tương đương vùng cần ghép, mà không làm thiếu kết mạc cùng đồ trên. Tại vị trí kết mạc nhãn cầu bị lấy đi sẽ tự lành mà không cần can thiệp.
Bước 3: Vùng củng mạc và giác mạc trần đã được ghép kết mạc thường sẽ lành trong vòng từ 24 đến 48 giờ sau phẫu thuật.
Điều trị mộng thịt bằng keo sinh học Fibrin
Phương pháp phẫu thuật mộng ghép kết mạc tự thân sử dụng keo sinh học fibrin thay cho chỉ khâu đã khẳng định hiệu quả bằng tỉ lệ tái phát giảm đáng kể sau phẫu thuật, được áp dụng nhiều hơn các phương pháp khác với độ an toàn cao.
Keo fibrin bao gồm hai thành phần chính là fibrinogen và thrombin, khi cho hai thành phần này kết hợp với nhau thì thrombin sẽ chuyển hóa fibrinogen thành fibrin.
Các sợi này sẽ hình thành nên mạng lưới không gian ba chiều để tạo thành khối Keo kết dính với nhau.
Keo fibrin có thể thay thế vai trò chỉ khâu trong phẫu thuật mộng thịt là một giải pháp, giúp rút ngắn thời gian phẫu thuật, cải thiện sự thoải mái sau mổ và có thể tránh được các vấn đề liên quan đến chỉ khâu.
Nguy cơ khi phẫu thuật cắt mộng thịt
Các biến chứng nghiêm trọng trong phẫu thuật mộng thịt thường hiếm khi xảy ra.
1. Biến chứng có thể xảy ra trong lúc phẫu thuật
– Tổn thương một trong các cơ vận nhãn nằm dưới khu vực phẫu thuật, có thể dẫn đến nhìn đôi và có thể cần phải phẫu thuật để chỉnh lại (hiếm gặp).
– Tổn thương các cấu trúc trong mắt gây mất thị lực. Thường xảy ra trên các trường hợp mắt đã từng phẫu thuật trước đó hoặc khi nhãn cầu bị tổn hại do chấn thương, các bệnh lý về mắt khác (rất hiếm gặp).
– Nguy cơ xảy ra biến chứng sẽ cao hơn ở những trường hợp phẫu thuật mộng thịt tái phát, vì nhiều mô xơ và sẹo phẫu thuật trước đó gây cản trở quá trình phẫu thuật.
2. Biến chứng có thể xảy ra sau phẫu thuật
Đau và khó chịu
Người bệnh có thể cảm thấy đau và khó chịu trong vòng 24 – 48 tiếng sau mổ do bề mặt giác mạc cần thời gian để lành. Bác sĩ sẽ kê đơn thuốc nhỏ mắt, thuốc uống để giảm triệu chứng đau.
Đỏ mắt, khô mắt, cộm
Tình trạng viêm gây ra đỏ mắt và cảm giác khô, cộm có thể mất nhiều tuần hoặc nhiều tháng để cải thiện. Bác sĩ sẽ kê thuốc nhỏ mắt kháng viêm có chứa steroid để kiểm soát. Loại thuốc nhỏ mắt chứa steroid này có thể gây tăng nhãn áp nên người bệnh chỉ sử dụng theo đơn của bác sĩ và tái khám khi hết thuốc hoặc theo hẹn.
Thị lực giảm
Sau phẫu thuật, bề mặt giác mạc có thể trở nên không bằng phẳng và có sẹo gây ảnh hưởng đến thị lực. Trường hợp mộng thịt đã tiến triển vào trung tâm giác mạc thì sau khi cắt bỏ thị lực vẫn sẽ không cải thiện, nhưng cũng sẽ không suy giảm hơn nữa. Đó là lý do bác sĩ sẽ khuyên người bệnh phẫu thuật trước giai đoạn này.
Tái phát mộng
Tỉ lệ tái phát mộng thịt trong năm đầu là 5% hoặc ít hơn. Mộng thịt tái phát khó điều trị hơn và nếu phải phẫu thuật lần nữa thì sẽ làm tăng nguy cơ biến chứng. Vì vậy, người bệnh nên sử dụng thuốc nhỏ mắt đúng chỉ định để kiểm soát viêm và tránh tình trạng tạo sẹo quá mức.
Loét giác mạc, loét củng mạc, nhiễm trùng
Các biến chứng nghiêm trọng như loét giác mạc, loét củng mạc hoặc nhiễm trùng hiếm khi xảy ra, tuy nhiên cũng có thể xảy ra và cần phải được điều trị tích cực. Các di chứng để lại sau quá trình loét/ nhiễm trùng có thể là mất thị lực do sẹo hoặc thủng nhãn cầu (rất hiếm gặp).
Lưu ý khi chăm sóc sau phẫu thuật cắt mộng mắt
Không để nước, xà phòng vào mắt khi tắm hoặc gội.
Không dụi mắt. Động tác dụi mắt có thể làm xê dịch mảnh ghép kết mạc, phải phẫu thuật lại. Điều này dễ xảy ra khi phẫu thuật mộng thịt bằng phương pháp có sử dụng keo dính hoặc ghép kết mạc không khâu. Mọi va chạm vào mắt đều gây ra ảnh hưởng xấu đến tình trạng sức khỏe của mắt.
Hình dạng thẩm mỹ bên ngoài của mắt sẽ cải thiện sau phẫu thuật. Tuy nhiên, khi nhìn gần sẽ thấy có sẹo mờ và khác biệt với các mạch máu bình thường trong mắt.
Hạn chế thực hiện các công việc nặng quá sức
Tuyệt đối nói không với đồ uống chứa cồn và thuốc lá.
Hạn chế tiếp xúc với môi trường ô nhiễm nhiều khói bụi, nhiều gió, nắng.
Tái khám 1 tuần, 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng và 1 năm, khi hết thuốc hoặc ngay khi có các biểu hiện: mắt đỏ không giảm, đau mắt nặng hơn, khó chịu ở mắt nhiều hơn, thị lực suy giảm đột ngột…
Thời gian dùng thuốc và nhỏ mắt cần tuân thủ đúng giờ và đúng hướng dẫn của bác sĩ. Tuyệt đối không tùy tiện dùng thêm thuốc ngoài kê đơn
Sau phẫu thuật bệnh nhân cần bồi bổ để cơ thể trao đổi chất tốt. Ngoại trừ món bác sĩ dặn kiêng thì hãy chọn món ăn bổ dưỡng và uống nhiều nước cùng rau củ quả để cung cấp vitamin và chất xơ.
Chỉ phẫu thuật cắt mộng mắt thì chưa đủ. Bệnh nhân sau khi thành công xử lý mộng thịt trong mắt sẽ cần có người hỗ trợ và được thăm khám định kỳ. Vấn đề chăm sóc sau phẫu thuật cũng rất đáng được quan tâm. Vì đây là bước đệm đánh giá kết quả cũng như giảm thiểu nguy cơ tái lại của mọi loại bệnh chứ không riêng các bệnh về mắt.
Cần làm gì để hạn chế tái phát mộng
Do mắt sau phẫu thuật còn yếu nên cần dùng kính bảo hộ khi ra ngoài. Đồng thời sử dụng kéo dài để bảo vệ mắt khỏi những tác hại xấu khi bạn làm việc trong môi trường ô nhiễm hay nhiều khói bụi.
Vệ sinh mắt bằng nước muối sinh lý và nhỏ thêm nước mắt nhân tạo đều đặn để tránh khô mắt.
Ngoài khám theo chỉ định sau phẫu thuật thì nên tái khám 6 tháng/lần để kiểm soát tình trạng bệnh lý của mắt.
Mổ cắt mộng thịt hiện nay giống như một cuộc tiểu phẫu. Tuy nhiên bệnh này lại có nguy cơ tái phát khá cao. Vì vậy việc bệnh nhân và người nhà nắm rõ những điều lưu ý sẽ hạn chế bệnh tái phát. Khi có dấu hiệu và triệu chứng của mộng thịt, người bệnh cần đến thăm khám để bác sĩ tư vấn hướng điều trị và phẫu thuật sớm nhất có thể.
Để biết thêm thông tin, khách hàng vui lòng liên hệ tổng đài 1900 638 085 để được tư vấn chi tiết và đặt lịch khám.