Tổng quan về lác mắt

08/11/2023
 
Bệnh lác mắt là một trong những tật rất thường gặp ở mắt. Bệnh có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, lác xuất hiện ở trẻ em ngày càng nhiều và có tới 4% trẻ bị lác bẩm sinh. Bệnh nếu không được phát hiện và điều trị sớm không chỉ ảnh hưởng đến thị lực của bệnh nhân mà còn ảnh hưởng đến vấn đề thẩm mỹ.

Lác mắt là gì?

Mắt bị lác là tình trạng hai mắt không đồng thời nhìn vào một vật, không hoạt động cùng nhau, hay nói cách khác là không thể cùng nhìn thẳng về phía trước, quan sát một bên mắt sẽ thấy lệch hơn so với bên mắt còn lại.
lac-mat-la-gi
Lác là tật thường gặp ở mắt

Cơ chế gây lác mắt?

Thông thường, mắt chúng ta sẽ có sáu cơ vận nhãn giữ nhiệm vụ điều chỉnh các hoạt động của nhãn cầu. Mỗi cơ giúp nhãn cầu di chuyển linh hoạt vào trong, ra ngoài, lên trên, xuống dưới, xoay vào trong hay xoay ra ngoài.
  • Người bình thường: Hai mắt cùng nhìn vào một điểm, tất cả các cơ tại mỗi bên mắt sẽ có sự phối hợp nhịp nhàng và hoạt động đồng thời, từ đó hình ảnh thu được ở võng mạc ở hai mắt sẽ được tổng hợp thành một ảnh duy nhất.
  • Người bị lác mắt: Hai mắt mất đi sự cân bằng giữa các cơ vận nhãn do nhóm cơ phối hợp không nhịp nhàng khiến tầm nhìn của hai mắt theo các hướng khác nhau. Một hoặc cả hai mắt của người bị lác lúc này sẽ nhìn theo hướng lệch vào trong hoặc lệch ra bên ngoài.
Khi hai mắt lệch nhau sẽ có hai hình ảnh khác nhau được thu nhận và chuyển đến não bộ. Ở trẻ em, não bộ có sự chọn lọc, loại bỏ hình ảnh không rõ ràng ở mắt bị lệch, chỉ ghi nhận hình ảnh ở mắt khỏe. Lâu dần mắt yếu hơn sẽ mất tín hiệu nhìn rõ gây tình trạng nhược thị. Còn ở người lớn bị lác, não bộ sẽ thu về cả hai hình ảnh, không thể loại bỏ hình ảnh kém hơn gây ra tầm nhìn đôi.

Nguyên nhân gây lác mắt

  • Lác mắt do bẩm sinh: Lác bẩm sinh là từ khi trẻ sinh ra đã có lác (thường xuất hiện trong giai đoạn từ 6 tháng tuổi). Nguyên nhân chủ yếu do bất thường về giải phẫu: Do cơ yếu hoặc bám bất thường so với vị trí giải phẫu, dị dạng hốc mắt. Trẻ bị đẻ non, thiếu tháng, nhẹ cân, gặp phải các hội chứng di truyền… đều có nguy cơ cao bị lác mắt.
  • Lác mắt do mắc phải: 
  • Lác thứ phát thường xảy ra ở người lớn do bệnh lý toàn thân (Basedow,…)
  • Tật khúc xạ: cận thị nặng, viễn thị không được điều trị, bất đồng khúc xạ, 
  • Do chấn thương vùng đầu mặt.
  • Lác do yếu tố điều tiết quy tụ, xảy ra trong độ tuổi đi học do tật khúc xạ viễn thị hay cận thị. 
  • Do tổn thương ở dây thần kinh thị giác, trung khu thần kinh thị giác hoặc tổn thương tại cơ vận nhãn mà gây ra lác.
  • Biến chứng của bệnh khác: Tiểu đường, chấn thương sọ não,..
lac-bam-sinh
Lác có thể là dị tật bẩm sinh

Các loại lác

  Mắt lác xảy ra khi có sự mất cân bằng giữa các cơ vận nhãn, tùy theo cơ vận nhãn bị ảnh hưởng mà dẫn đến:
  • Lác trong: mắt có xu hướng đi vào trong phía mũi
  • Lác ngoài: mắt có xu hướng đi ra ngoài phía thái dương
  • Lác trên: mắt có xu hướng đi lên trên
  • Lác dưới: mắt có xu hướng đi xuống dưới
  • Mắt lác luân phiên: lúc mắt này lác, lúc mắt kia lác
  • Mắt bị xoáy vào trong hoặc ra ngoài khi lác ẩn theo hướng ngang hoặc đứng gọi là lác xoáy

Dấu hiệu và triệu chứng của bệnh

Các dấu hiệu của bệnh mà bạn có thể nhận ra như: hay nheo mắt khi nhìn hoặc vật ở phía trước nhưng vẫn phải liếc mắt, với trẻ em khi nhìn có kèm nghiêng đầu. Hai mắt nhìn không đối xứng thì rất có thể là người được khám bị lác.
  • Đối với trẻ, bạn đưa cho trẻ một món đồ chơi mà bé thích, quan sát kĩ khi bé nhìn món đồ chơi đó, mắt bé có bị lệch sang một bên không? Nếu có thì có thể trẻ đã bị lác.

Triệu chứng của bệnh lác 

Lác hiện rất dễ nhận biết khi nhìn đối diện mà thấy mắt bị lệch. Đối với những trường hợp lác ẩn thì cần khám chuyên sâu mới phát hiện được.
  • Mỏi mắt thường xuyên, khả năng tập trung kém
  • Hậu đậu, làm việc không chính xác
  • Mắt lác thường xuyên có thể mờ hơn mắt không lác. Tư thế nghiêng đầu thích nghi với tình trạng lác
  • Ở người có chức năng thị giác đã hoàn thiện khi lác đột ngột sẽ xảy ra hiện tượng song thị (hai hình)
Nếu nghi ngờ hoặc phát hiện dấu hiệu lác mắt và đưa bé đi khám sớm, chữa trị càng sớm thì bé càng có cơ hội khỏi bệnh. Chữa lác trước 3 tuổi, tỉ lệ thành công lên tới 92%, 6-8 tuổi là 62%. Nếu để lâu, mắt bé sẽ thành tật nên khả năng phục hồi kém.
lac-mat-o-nguoi-lon-tuoi
Lác mắt ở người lớn tuổi có thể là dấu hiệu của bệnh lý nguy hiểm

Các nguy cơ khi bị lác

Lác mắt không chỉ gây ra những ảnh hưởng đến thẩm mỹ, chất lượng cuộc sống mà còn có thể đe dọa đến thị lực.
  • Lác mắt lâu ngày khiến thị lực bị suy giảm. Đối với trẻ em đang trong giai đoạn phát triển thì càng lác lâu ngày càng khiến thị lực bị giảm sút nghiêm trọng, với trẻ em có thể dẫn tới nhược thị – gây suy giảm thị lực mà không thể cải thiện được bằng dùng kính hay chỉnh kính.
  • Mắt lác gây thương tổn thị giác của hai bên mắt, suy giảm khả năng nhìn nổi, nhìn chiều sâu. Hai mắt của người bị lác sẽ không thể phối hợp nhịp nhàng để cảm nhận một hình ảnh, sự vật đầy đủ, tinh tế.
  • Lác mắt gây ảnh hưởng đến tâm sinh lý của người bệnh, khiến họ cảm thấy tự ti, ngại giao tiếp, rụt rè, gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, công việc, học tập.
  • Một số biến chứng khác mà lác mắt có thể gây ra như: Hạn chế liếc mắt, rung giật nhãn cầu, lệch đầu vẹo cổ…
  • Ở người lớn tuổi, lác mắt đột ngột có thể là báo hiệu một bệnh lý cấp tính ở hệ thần kinh vận động, do đó cần phải khám và tìm nguyên nhân để điều trị

Hướng điều trị bệnh lác

Tùy theo từng loại lác mắt và ở từng độ tuổi sẽ có các hướng điều trị khác nhau.
Điều trị lác ở trẻ em cần tuân theo một quy trình khoa học với nhiều bước, gọi là phức hợp điều trị lác bao gồm:
  • Điều trị quang học (Đeo kính): Với trẻ < 6 tuổi và trẻ đi học : đeo kính và kiểm tra thị lực định kỳ để bảo toàn chức năng hợp thị hai mắt và ngăn ngừa suy giảm thị lực mắt lác.
  • Điều trị nhược thị (Tập luyện mắt): Một số trường hợp lác do điều tiết sẽ cần phục hồi chức năng hợp thị thông qua các bài tập về mắt.
  • Phẫu thuật lác
Đôi khi lác mắt có liên quan đến các vấn đề ở mắt hay ở não, điều đầu tiên cần gặp bác sĩ để kiểm tra kỹ, khám lâm sàng và các xét nghiệm để đảm bảo rằng các vấn đề ở trên không tồn tại.

Quá trình phẫu thuật lác sẽ diễn ra như thế nào?

Mổ mắt lác bao gồm việc nới lỏng hoặc thắt chặt các cơ mắt để giúp mắt trông thẳng hàng và không bị lệch nữa. Đây là loại phẫu thuật được khuyến nghị cho lác mắt và rung giật nhãn cầu. Phẫu thuật lác có hiệu quả khoảng từ 80 đến 90%..  Chỉ định mổ lác sớm hay muộn tùy thuộc vào mức độ tổn hại chức năng thị giác 2 mắt và dạng lác. Ở Việt Nam, phẫu thuật cho trẻ sớm nhất từ 18 đến 22 tháng tuổi ở cơ sở có phương tiện gây mê hồi sức tốt.
Trong quy trình mổ mắt lác, có hai loại phẫu thuật chính:
phau-thuat-lac
Phẫu thuật lác càng sớm càng tốt
  • Nới lỏng: Nới lỏng được thực hiện khi cơ mắt quá căng. Quy trình này được thực hiện như sau: bác sĩ sẽ tách một cơ mắt đang bị ảnh hưởng ra khỏi vị trí ban đầu và sau đó gắn lại cơ tại một vị trí xa hơn ở phía trước của mắt để làm suy yếu cơ. Bằng cách thay đổi vị trí của cơ bị căng sẽ giúp cải thiện sự lệch của hai bên mắt.
  • Thắt chặt. Thắt chặt được thực hiện khi cơ mắt quá yếu hoặc lỏng lẻo, không thể giữ mắt ở vị trí thích hợp và khiến mắt bị lệch. Bác sĩ sẽ tiến hành cắt ngắn chúng, sau đó, gắn lại vào vị trí ban đầu.
  • Sau khi thực hiện nới lỏng hoặc thắt chặt, bác sĩ phẫu thuật sẽ tiến hành khâu điều chỉnh bằng chỉ khâu để giữ cố định các cơ mắt đã điều chỉnh (nới lỏng hoặc thắt chặt) nhằm cải thiện kết quả phẫu thuật và đạt được sự liên kết tối ưu cho hai mắt.
  • Chỉ khâu có thể điều chỉnh chỉ được thực hiện ở người lớn, vì bệnh nhân vẫn tỉnh táo trong suốt quá trình phẫu thuật. Đối với trẻ em thì sử dụng chỉ khâu thông thường. Tất cả các vết khâu sẽ tự tiêu biến trong vòng khoảng 6 tuần.

Các biến chứng sau mổ mắt lác

Mặc dù tất cả các quy trình phẫu thuật đều có những rủi ro nhất định, nhưng mổ lác mắt khá an toàn, có tỷ lệ thành công cao và biến chứng nghiêm trọng là cực kỳ hiếm gặp. 
  • Phẫu thuật lác không ảnh hưởng thị lực trước đó của bệnh nhân.
  • Các biến chứng do mổ có thể như tụ máu gây đỏ mắt, sưng phù kết mạc (lòng trắng mắt) hoặc mi mắt. Những biến chứng này có thể điều trị hết mà không để lại di chứng.
  • Những trường hợp lác không do bệnh lý (Basedow, mất thị lực) thì sau mổ sẽ hết lác, nhiều trường hợp độ lác cao cần mổ 2 lần mới hết. 
  • Quá trình mổ lác không đau vì chỉ nhỏ và bơm thuốc tê vào cạnh mắt. Sau mổ, khi thuốc tê hết tác dụng bệnh nhân nên uống thuốc giảm đau bác sĩ đã kê toa.
  • Các triệu chứng khác mà bạn có thể gặp phải trong vài ngày đầu sau phẫu thuật bao gồm: Sưng mí mắt, đỏ mắt, nhạy cảm với ánh sáng, nhìn mờ nhẹ, nhìn đôi, mất thị lực là rất hiếm gặp.
Lác là bệnh lý dễ phát hiện, và cần phát hiện sớm nhất là ở lứa tuổi trẻ em. Trẻ em dưới 3 tuổi, phát hiện sớm được bệnh thì sau khi điều trị tỉ lệ thành công lên đến 92%. Ở người lớn, lác mắt thường là một triệu chứng của bệnh hoặc biến chứng của một bệnh lý nền. 
Nhận biết được các dấu hiệu lác mắt, từ đó có thể phát hiện được các bệnh lý nền hoặc các bệnh gây lác mắt. Vì vậy nếu bạn hoặc những người xung quanh có yếu tố nguy cơ hoặc dấu hiệu mắt lác cần nên đến các cơ sở y tế có chuyên khoa mắt để khám và điều trị.
Liên hệ tổng đài 1900.63.80.85 để được tư vấn chi tiết về dịch vụ phẫu thuật lác, giải đáp miễn phí các thắc mắc, đặt lịch khám và hưởng trọn các ưu đãi hiện hành.

CẢM NHẬN KHÁCH HÀNG

tai-kham-sau-mo-phaco
tham-kham-truoc-mo-phaco
sau-mo-phaco
sau-mo-phaco

Chương trình ưu đãi đang có:

ĐẶT HẸN NGAY HÔM NAY

    HOẶC GỌI VỀ 1900.63.80.85