Trang chủ » Dịch vụ » Tổng quan về quặm mi và phương pháp điều trị
Tổng quan về quặm mi và phương pháp điều trị
08/11/2023
Share:
Mi mắt là một hệ cơ quan phức tạp, gồm nhiều bộ phận như cơ vòng mi, sụn mi, mô dưới da, kết mạc để đảm nhiệm chức năng bảo vệ cho đôi mắt. Mi mắt có cấu tạo kín, chức năng đóng mở hoàn toàn giúp mắt được bảo vệ tốt hơn với các tác động của môi trường cũng như tiết lệ điều tiết hoạt động cho mắt.
Tuy nhiên khi có các biểu hiện bất thường ở mi mắt thì chức năng bảo vệ này không còn tốt nên thị lực cũng như sức khỏe đôi mắt sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Một trong số bệnh lý hay gặp ở mi mắt là quặm mi.
Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu quặm mi là gì và cách điều trị khi bị quặm mi.
Quặm mi là gì?
Quặm mi là tình trạng mi mắt bị cuộn vào trong (lông mi mọc ngược hướng so với bình thường) khiến lông mi và da cọ xát với phần giác mạc và kết mạc gây ra khó chịu và kích thích mắt. Quặm mi mắt có thể gặp ở cả trẻ sơ sinh và người cao tuổi. Nếu không được điều trị sớm sẽ có nguy cơ dẫn đến viêm kết mạc, nặng hơn có thể là viêm loét giác mạc.
Nguyên nhân gây ra quặm mi
Quặm mi có một vài trường hợp là do bẩm sinh song đa phần là từ các bệnh lý nhiễm trùng hoặc tổn thương bộ phận của mắt.
Các nguyên nhân chủ yếu là do:
Bẩm sinh: thường do cấu trúc sụn mi khuyết tật hoặc tăng sản cơ vòng mi, lớp da song đa phần sẽ được cải thiện khi trẻ lớn lên. Cha mẹ cần lưu ý đến tình trạng này, nếu trẻ lớn xuất hiện quặm mi nhiều, không tự thuyên giảm thì nên đưa trẻ đi khám bác sĩ.
Tuổi già: xảy ra do quá trình da lão hóa, khiến các mô nâng đỡ mi bị lỏng lẻo. Lông mi bị quặp vào trong gây ngứa ngáy, khó chịu, chảy nước mắt, đỏ mắt…. Đây là nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh quặm mi.
Chấn thương ở mắt: gây phát triển mô sẹo gần khu vực lông mi mắt có thể thay đổi hướng mọc của lông mi. Thường xảy ra ở mi dưới
Sẹo hoặc các cuộc phẫu thuật trước đó: Vùng da bị sẹo do bỏng hóa chất, chấn thương hoặc phẫu thuật có thể làm biến dạng đường cong bình thường của mí mắt. Sụn mi mắt khi đó bị uốn cong vào trong, kết mạc mi sẽ có sẹo, đôi khi có dính mi một phần.
Đau mắt cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến quặm mi, ngoài ra còn gây nhiễm trùng mí mắt nghiêm trọng. Khắc phục quặm mi chỉ là một phần trong điều trị đau mắt hột, cần điều trị tích cực và vệ sinh mắt đúng cách nếu không có thể ảnh hưởng thị lực nghiêm trọng.
Viêm nhiễm mi mắt: Viêm bờ mi khiến mí mắt bị viêm, kích ứng, sưng to, da bị bong tróc. Cùng với đó, chất nhầy được tiết ra nhiều hơn tạo điều kiện cho lông mi mọc ngược và vi khuẩn phát triển. Dụi mắt hoặc nhắm chặt mí mắt khi bị kích ứng mắt do khô hoặc viêm có thể dẫn đến co thắt các cơ mí mắt và cuộn bờ mi vào trong gây tổn thương đến giác mạc (co cứng quặm).
Nếp gấp da thừa: Quặm mắt bẩm sinh có thể là do một nếp gấp da thừa trên mí mắt gây ra hiện tượng lông mi mọc ngược.
Biểu hiện của quặm mi mắt
Tùy theo nguyên nhân nhưng hầu hết quặm mi ban đầu chỉ xảy ra ở một vài lông mi có thể không hoặc cố định tại một số vị trí của mắt. Song nếu không loại bỏ nguyên nhân, quặm mi sẽ ảnh hưởng đến ngày càng nhiều lông mi, gây cảm giác khó chịu và các triệu chứng như:
Người bệnh luôn có cảm giác có vật cản bị vướng ở trong mắt.
Đỏ mắt, đỏ quanh mắt do quặm mi làm tổn thương giác mạc.
Nhạy cảm với ánh sáng và gió
Chảy nước mắt (với tần suất liên tục)
Mắt có nhiều rỉ, tiết dịch nhiều làm đóng vảy trên mi mắt
Đau mắt, ngứa mắt khiến người bệnh càng dụi mắt nhiều hơn, tổn thương ở mắt càng nghiêm trọng.
Quặm mi thường không phải là vấn đề nghiêm trọng ở mắt và có thể khắc phục nhanh bằng việc loại bỏ lông mi bất thường. Song nếu dụi mắt nhiều và không loại bỏ hoàn toàn quặm mi, mắt có thể bị tổn thương nặng, nguy cơ nhiễm trùng cao. Lúc này, không chỉ sức khỏe mắt giảm sút mà thị lực của người bệnh cũng bị ảnh hưởng.
Yếu tố nguy cơ gây quặm mi
Tuổi tác. Hay gặp ở người già trên 60 tuổi. Tuổi càng cao, khả năng mắc bệnh càng lớn.
Bỏng hoặc chấn thương trước đây. Nếu bị bỏng hoặc bị thương trên mặt, mô sẹo hình thành có thể khiến nguy cơ cao bị bệnh lông quặm.
Đau mắt: đau mắt hột có thể gây sẹo cho mí mắt bên trong, những người từng bị đau mắt hột có nhiều khả năng bị bệnh quặm mắt.
Các biến chứng. Kích ứng và tổn thương giác mạc là những biến chứng nghiêm trọng nhất liên quan đến bệnh quặm mắt vì chúng có thể dẫn đến mất thị lực vĩnh viễn.
Phương pháp điều trị quặm mi mắt
Quặm mi có thể dễ dàng loại bỏ song cần tìm ra nguyên nhân và điều trị triệt để nguyên nhân, nếu không mỗi khi lông mi mọc lên sẽ lại ngược vào gây tổn thương cho mắt.
1. Đối với trẻ em bị quặm mi do bẩm sinh
Đối với trẻ, bác sĩ sẽ thực hiện đánh giá chiều dài và mức độ quặm mi trên lâm sàng để có chẩn đoán chính xác tật ở trẻ.
Với những trẻ dưới 1 tuổi, trẻ sẽ được các bác sĩ cho tra thuốc do lúc này lông mi của trẻ chưa đủ cứng để gây tổn hại giác mạc. Do đó bác sĩ có thể chỉ định cho trẻ tra thuốc (dung dịch nước muối sinh lý 0,9% hoặc dung dịch kháng sinh như tobrex).
Bố mẹ sẽ được hướng dẫn vuốt bờ mi trẻ để lông mi bật ra ngoài, tránh tổn hại giác mạc. Đến khi trẻ lớn hơn, nếu bệnh không tiến triển tốt sẽ được chỉ định để phẫu thuật.
Lưu ý: Các thuốc sử dụng cho mắt cần sử dụng khi thực sự cần thiết và có sự hướng dẫn của bác sĩ. Các bậc phụ huynh không nên dùng thuốc tùy tiện để nhỏ mắt cho trẻ. Có nhiều bệnh nhân tới bệnh viện đã bị mù do không sử dụng thuốc đúng cách, đặc biệt là dùng quá liều thuốc hay quá ngày quy định so với đơn thuốc của bác sĩ. Nếu thấy trẻ có các biểu hiện hay dụi mắt, chảy nước mắt nhiều, cần đưa trẻ đến các cơ sở nhãn khoa uy tín để được khám và điều trị sớm.
2. Đối với việc điều trị quặm mi ở người lớn
Cách điều trị quặm mi dưới ở người cao tuổi là loại trừ hoặc làm giảm bớt những nguyên nhân được nêu phía trên. Phẫu thuật quặm còn tùy thuộc vào nguyên nhân mắc bệnh.
Dùng một số thuốc nước mắt nhân tạo hoặc mỡ dưỡng mắt kéo dài:
Điều trị các bệnh viêm kết mạc, bệnh mắt hột như kháng sinh, kháng viêm.
Dưỡng mắt với nước mắt nhân tạo.
Phẫu thuật lạnh
Phương pháp phẫu thuật lạnh là thực hiện đóng băng để loại bỏ cả lông mi lẫn nang lông mi bị quặm. Sau đó từ nang lông này sẽ không còn lông mọc ngược gây tổn thương cho mắt nữa.
Phẫu thuật mổ lông quặm
Quá trình phẫu thuật quặm sẽ được thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa:
Gây tê tại chỗ.
Rạch da mi cách bờ mi khoảng 2mm. Đường rạch theo chiều dài mi.
Phẫu tích cơ vòng mi, cân vách hốc mắt có thể lấy phần mỡ thoát vị.
Cắt da mi thừa.
Khâu cố định mép da vào bờ dưới sụn mi.
Khâu da mi.
Phòng ngừa tình trạng quặm mi như thế nào?
Để ngăn ngừa tình trạng quặm mi cần:
Vệ sinh mắt thường xuyên bằng nước muối sinh lý. Chúng ta nên rửa mặt và vệ sinh mắt bằng khăn sạch, tránh dùng chung khăn với người khác.
Nên đeo kính bảo vệ mắt, đặc biệt là khi ra ngoài hoặc làm việc trong điều kiện nhiều cát, bụi, nắng…
Điều trị dứt điểm các bệnh về mắt có khả năng gây biến chứng quặm mi, như đau mắt…
Cải thiện điều kiện môi trường, giữ môi trường xung quanh sạch và trong lành.
Quặm mi là một bệnh về mắt không hiếm gặp. Khi bị bệnh hãy đến các bệnh viện mắt gần nhất để các bác sĩ khám và điều trị.
Có thể thấy, quặm mi không phải là vấn đề quá nguy hiểm, ảnh hưởng nặng đến thị lực hay sức khỏe của mắt song vẫn cần khắc phục sớm. Điều đầu tiên là cần nắm được thông tin về tình trạng quặm mi này cũng như các cách khắc phục, xử lý khi không may quặm mi xuất hiện.
Vì vậy khi phát hiện bất kỳ triệu chứng bất thường nào ở vùng mắt bạn nên đi khám ngay. Dù mới xuất hiện một vài lông bị quặm mi, người bệnh cũng không nên chủ quan mà cần loại bỏ và tiếp tục theo dõi. Nếu lông mi mọc quặm có dấu hiệu kéo theo nhiều lông bên cạnh thì bệnh nhân nên đi khám tại cơ sở chuyên khoa về mắt. Việc thăm khám kịp thời, đúng cách sẽ làm hạn chế tối đa các biến chứng ảnh hưởng đến chức năng thị giác là viêm giác mạc và loét giác mạc.
Để biết thêm thông tin, khách hàng vui lòng liên hệ tổng đài 1900.63.80.85 để được tư vấn chi tiết và đặt lịch khám.