Bệnh đau mắt hột – Triệu chứng,hậu quả và cách chữa trị đau mắt hột tốt nhất

09/07/2018
Tác giả:
Tham vấn y khoa:
 

Bệnh đau mắt hột là gì?

Đau mắt hột là tình trạng viêm nhiễm của kết mạc và giác mạc. Tác nhân gây bệnh là vi khuẩn Chlamydia Trachomatis (một loại vi khuẩn khá phổ biến hiện nay và đã đề kháng với nhiều loại kháng sinh). Nếu bị bệnh mắt hột mà không điều trị thích hợp, đúng phương pháp hoặc điều trị muộn thì có thể gặp nhiều biến chứng nghiêm trọng cho đôi mắt của bạn.

 Triệu chứng của bệnh đau mắt hột

Những triệu chứng chính của bệnh mắt hột mà bạn nên nắm rõ, đó chính là: cảm giác xốn cộm ở mắt, ngứa mắt, vướng mắt như có hạt bụi trong mắt. Khi bị đau mắt hột, bạn thường hay mỏi mắt, nhức mắt, sợ ánh sáng, chảy nước mắt thường xuyên.

Hình ảnh bệnh đau mắt hột

Hình ảnh bệnh đau mắt hột

Hình ảnh về bệnh đau mắt hột

Hình ảnh bệnh đau mắt hột

Vì sao bệnh đau mắt hột lại nguy hiểm

Bệnh đau mắt hột được xem là một bệnh không nhẹ và khá nguy hiểm trong số những bệnh thuộc chuyên khoa mắt. Lý do đầu tiên, bệnh mắt hột là một bệnh viêm, tiến triển mạn tính, do vi khuẩn gây ra nên rất dễ lây lan nếu chúng ta dùng chung nguồn nước, chung khăn mặt, chung khẩu trang,…

Bên cạnh đó, bệnh thường tiến triển rất âm thầm, kín đáo. Vì vậy, khi phát hiện ra bệnh, chúng ta thường điều trị ở giai đoạn muộn nên mắt đã bị những biến chứng không thể hồi phục được.

Kể cả khi chúng ta đã khỏi bệnh, những hột đã hình thành sẽ để lại sẹo trên kết mạc hoặc ở vùng rìa giác mạc. Phản ứng mạch máu thường phát triển qua vùng rìa và xâm lấn vào giác mạc, có thể che lấp giác mạc và tạo thành màng khói hoặc sẹo đục làm giảm thị lực, thậm chí dẫn đến mù lòa.

Các giai đoạn tổn thương của mắt hột

Theo Wikipedia , mắt hột có 4 giai đoạn phát triển, nếu phát hiện càng sớm thì sẽ dễ chữa khỏi hơn.

Mắt hột giai đoạn I

  • Thường xuất hiện âm thầm, không có dấu hiệu chủ quan, phát hiện do khám sức khoẻ hàng loạt.
  • Kết mạc sụn mi trên thẩm lậu nhẹ, che lấp một phần mạch máu. Các hột nhỏ màu trắng vàng kích thước bằng đầu kim xuất hiện khắp kết mạc sụn mi trên gọi là tiền hột.
  • Bờ trên sụn mi và kết mạc cùng đồ có một số hột trong suốt và vài đám hột nhỏ.
  • Rất hiếm trường hợp có hột ở kết mạc sụn mi dưới.

Mắt hột giai đoạn II

  • Triệu chứng chủ quan thường chưa có gì rầm rộ. Sáng thức dậy có một ít tiết tố đọng lại ở trong mắt.
  • Triệu chứng khách quan vẫn tập trung ở kết mạc sụn mi trên.
  • Kết mạc xù xì, mạch máu bị che lấp hoàn toàn bởi thẩm lậu.
  • Gai nhú mọc đầy, tập trung nhiều ở hai góc mi.
  • Nhiều hột to, chín mộng, rất dễ vỡ khi ta ấm bằng tăm bông, tiết ra một chất nhầy đặc hiệu.
  • Thấy đầy đủ các tuổi của mắt hột: tiền hột, hột to, hột hoại tử, có ít sẹo kết mạc đặc hiệu.
  • Có thể thấy màng máu mỏng.

Mắt hột giai đoạn III

  • Giai đoạn này kéo dài nhất. Đặc điểm là có sự xen kẻ giữa các dấu hiệu hoạt tính (nhú gai, thẩm lậu, hột) và dấu hiệu ổn định (sẹo).
  • Một đặc điểm nữa của giai đoạn này là xuất hiện biến chứng như cụp mi, lông xiêu.

Mắt hột giai đoạn IV

  • Mắt hột lành sẹo. trên kết mạc hết yếu tố hoạt tính, chỉ có sẹo ở mức độ khác nhau.
  • Từ giai đoạn III trở đi, khi khám ta có thể thấy có màng máu trên giác mạc. Màng máu này sẽ thấy rõ hơn khi khám dưới kính sinh hiển vi, và sẽ thấy lỗ lõm trên giác mạc gọi là lõm hột Herbert.

Bệnh đau mắt hột lây qua đường nào ?

Đau mắt hột là căn bệnh có thể lây lan một cách dễ dàng. Nó có thể lây trực tiếp qua việc tiếp xúc trực tiếp với người bệnh hoặc gián tiếp với dịch tiết mắt, mũi hay cổ họng. Bệnh thường lây lan do việc dùng chung khăn mặt với người bệnh hoặc tiếp xúc với dịch tiết mắt của người bệnh nhưng không vệ sinh sạch sẽ. 

Bệnh thường xuất hiện ở trẻ nhỏ từ 3-5 tuổi do ở độ tuổi này trẻ nhỏ chưa có ý thức vệ sinh cá nhân sạch sẽ nên các bậc cha mẹ cần hết sức lưu ý.
 

Đau mắt hột dễ lây lan ở trẻ nhỏ

Những biến chứng thường gặp của bệnh đau mắt hột

Bệnh đau mắt hột nếu không được điều trị đúng đắn, kịp thời sẽ có những biến chứng từ nhẹ đến nặng bao gồm:

– Viêm kết mạc phối hợp.

– Xuất hiện lông quặm, gây cảm giác khó chịu, kích thích mắt, đau mỏi mắt, chảy nước mắt sống.

– Viêm giác mạc, loét giác mạc, khô mắt.

– Sẹo giác mạc, giảm thị lực, nặng nhất là dẫn đến mù vĩnh viễn.

– Kích thích màng máu ở kết mạc gây nên bệnh mộng thịt (mây thịt) tái đi tái lại nhiều lần. Điều này sẽ làm người bệnh cảm thấy bị phiền toái, tốn kém chi phí phẫu thuật gỡ mây thịt.

Cách điều trị bệnh đau mắt hột

Trước tiên, ở trong vùng có bệnh đau mắt hột, mọi người cần giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ, đặc biệt là đôi mắt. Không dùng chung khăn mặt, chậu nước, dụng cụ vệ sinh nói chung. Dùng nước sạch để rửa mặt. Nếu có triệu chứng mắt đỏ, cộm, xốn,  cần đi khám ngay tại cơ sở chuyên khoa mắt gần nhất.

Bước tiếp theo, nếu phát hiện mình đã bị bệnh đau mắt hột thì bạn cần tuân thủ đúng theo phác đồ điều trị của bác sĩ chuyên khoa mắt. Vấn đề điều trị có thể đơn thuần là nội khoa bao gồm: tra mỡ kháng sinh có chứa Tetracyclin vào mắt mỗi ngày 4 đến 6 lần. Uống thuốc kháng sinh để phát huy tác dụng toàn thân như Tetracyclin. Trong trường hợp bạn bị dị ứng với Tetracyclin thì có thể thay bằng thuốc Erythromycin hoặc Azithromycin. Việc uống thuốc kháng sinh không nên tùy tiện mà phải theo y lệnh của bác sĩ.

Tra thuốc mỡ Tetracylin để điều trị bệnh đau mắt hột

Thuốc mỡ Tetracyclin

Do cơ thể tạo miễn dịch với bệnh đau mắt hột rất yếu hoặc hầu như không nên sau khi được chữa khỏi, người bệnh vẫn có thể bị trở lại. Vì vậy, vấn đề giữ gìn vệ sinh đôi mắt là rất cần thiết.

Trong những trường hợp nặng hơn, nếu xuất hiện nhiều lông xiêu, lông quặm thì bạn cần đến bệnh viện chuyên khoa mắt để được tiến hành nhổ lông xiêu, lông quặm hoặc phẫu thuật cắt bỏ hạt cườm ở kết mạc mắt.

Cách phòng tránh bệnh đau mắt hột

Để phòng ngừa bệnh đau mắt hột bạn nên giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, vệ sinh cơ thể hàng ngày và môi trường sống xung quanh thường xuyên.

Nguồn nước sinh hoạt hàng ngày luôn trong sạch, không nhiễm khuẩn.

Các bậc phụ huynh cũng nên nhắc nhở con em mình không được đưa tay bẩn lên dụi mắt, khi chơi xong phải vệ sinh sạch sẽ. Trước khi ăn hay sau khi đi vệ sinh phải rửa tay bằng xà phòng nhằm hạn chế vi khuẩn xâm nhập vào đôi mắt.

Tăng cường sức đề kháng cho đôi mắt bằng các thực phẩm chứa nhiều chất dinh dưỡng, vitamin A,C vào bữa ăn hàng ngày như bí đỏ, gấc…

Tốt hơn hết, để được tư vấn chu đáo về bệnh đau mắt hột, các bạn hãy liên hệ với Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 qua website https://mathanoi2.vn/ hoặc hotline 1800.1165. Tại đây, bạn cũng sẽ nhận được sự tư vấn về những biện pháp điều trị thích hợp khi bạn đã bị bệnh mắt hột. Mến chúc các bạn luôn có một đôi mắt sáng đẹp!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *