Các biến chứng ở mắt của bệnh đái tháo đường

11/10/2018
Tác giả:
Tham vấn y khoa:
 

Bệnh glôcôm

Những người mắc bệnh đái tháo đường có nguy cơ bị glôcôm cao hơn 40% so với người không đái tháo đường. Người bị đái tháo đường càng lâu năm thì khả năng bị glôcôm càng cao. Nguy cơ này cũng tăng lên  theo tuổi.

Nguyên nhân của glôcôm là do tăng áp lực ở bên trong mắt (nhãn áp). Trong hầu hết các trường hợp, nhãn áp làm cho sự dẫn lưu thủy dịch bị trở ngại khiến cho thủy dịch ứ trệ trong tiền phòng. Nhãn áp chèn ép vào các mạch máu đưa máu đến võng mạc và thần kinh thị giác. Thị lực bị giảm dần do tổn hại của võng mạc và thần kinh thị giác bị tổn hại.

Có nhiều cách điều trị glôcôm. Một số dùng thuốc để làm giảm nhãn áp, những trường hợp khác có thể phẫu thuật.

Bệnh đục thể thủy tinh

Nhiều người không có bệnh đái tháo đường bị đục thể thủy tinh, nhưng những người đái tháo đường có nguy cơ đục thể thủy tinh cao hơn 60%. Những người đái tháo đường cũng thường bị đục thể thủy tinh ở tuổi trẻ hơn và bệnh tiến triển nhanh hơn. Khi thể thủy tinh bị mờ đục, nó sẽ cản trở ánh sáng đi vào mắt.

Những người bị đục thể thủy tinh ở mức độ nhẹ cần đeo kính râm thường xuyên hơn và dùng loại mắt kính có tác dụng chống lóa. Đối với các trường hợp đục thể thủy tinh ảnh hưởng nhiều đến thị lực thì bác sĩ thường phẫu thuật lấy bỏ thể thủy tinh và thay vào đó bằng một thể thủy tinh nhân tạo. Ở những người đái tháo đường, bệnh võng mạc có thể nặng hơn sau phẫu thuật thể thủy tinh và có thể xuất hiện bệnh glôcôm.

Bệnh võng mạc đái tháo đường
 

Bệnh võng mạc đái tháo đường là một thuật ngữ chung cho tất cả các tổn hại võng mạc do đái tháo đường. Có hai loại chính: Bệnh võng mạc không tăng sinh và bệnh võng mạc tăng sinh.

Bệnh võng mạc không tăng sinh

Là hình thái thường gặp nhất của bệnh võng mạc đái tháo đường. Các mao mạch ở đáy mắt bị giãn tạo thành những túi nhỏ. Bệnh võng mạc không tăng sinh có thể trải qua 3 giai đoạn (nhẹ, trung bình, và nặng) trong đó càng ngày càng có nhiều mạch máu bị tắc nghẽn.

Phù hoàng điểm

Mặc dù bệnh võng mạc thường không gây mất thị lực ở giai đoạn này, các thành mạch máu có thể bị mất khả năng chống rò rỉ các chất từ mạch máu vào võng mạc. Chất dịch có thể rò rỉ ở vùng hoàng điểm (nơi ánh sáng hội tụ vào). Khi hoàng điểm bị phù do chất dịch ngấm vào thì sẽ gây ra phù hoàng điểm, thị lực bị giảm và có thể mất hoàn toàn.  

Bệnh võng mạc tăng sinh

Ở một số người, bệnh võng mạc tiến triển nhiều năm trở thành một hình thái nặng hơn gọi là bệnh võng mạc tăng sinh. Trong hình thái này, các mạch máu bị tổn hại đến mức tắt nghẽn. Để bù trừ cho sự tắc mạch, các mạch máu mới (tân mạch) bắt đầu phát triển ở võng mạc. Các tân mạch này mỏng manh, dẫn đến rò rỉ máu ra ngoài (xuất huyêt mạc) dẫn đến giảm thị lực. Các tân mạch cũng có thể tạo thành xơ sẹo ở võng mạc. Sự co kéo của mô sẹo có thể làm biến dạng võng mạc hoặc gây ra bong võng mạc.

Những yếu tố nguy cơ của bệnh võng mạc đái tháo đường

Người mắc bệnh đái tháo đường càng lâu thì càng dễ bị bệnh võng mạc hơn. Hầu như tất cả mọi người có bệnh đái tháo đường typ 1 lâu dài đều có bệnh võng mạc không tăng sinh. Phần lớn những người đái tháo đường typ 2  cũng bị bệnh võng mạc không tăng sinh. Tuy nhiên, khả năng bị bệnh võng mạc tăng sinh (gây tổn hại thị lực) thì ít hơn nhiều.

Những người kiểm soát đường huyết tốt thì ít có khả năng bị bệnh võng mạc hoặc nếu mắc cũng ở hình thái nhẹ hơn.

Võng mạc có thể bị tổn hại nặng trước khi bạn cảm thấy thay đổi thị lực. Hầu hết những người bị bệnh võng mạc không tăng sinh không có triệu chứng. Ngay cả với bệnh võng mạc tăng sinh, đôi khi người bệnh cũng chỉ có triệu chứng ở giai đoạn muộn. Do vậy, bạn nên gặp bác sĩ để kiểm tra mắt thường xuyên.

Bệnh Viện Mắt Hà Nội Cơ Sở 2

THÔNG TIN LIÊN HỆ

Hotline miễn phí: 1800 1165
Email : tuvan@mathanoi2.vn 
Website: www.mathanoi2.vn
Địa chỉ: 72 Nguyễn Chí Thanh, Phường Láng Thượng, Đống Đa, Hà Nội

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *