Trang chủ » Kiến thức » Cận thị ở trẻ em và bé 3 tuổi: Triệu chứng, cách chữa trị hiệu quả nhất
Cận thị ở trẻ em và bé 3 tuổi: Triệu chứng, cách chữa trị hiệu quả nhất
09/11/2022
Tác giả:
Tham vấn y khoa:
Share:
1. Tình trạng cận thị ở trẻ em hiện nay
Cận thị là một tật khúc xạ ở mắt. Trẻ bị cận thị chỉ có thể nhìn rõ những vật ở khoảng cách gần, khả năng nhìn xa phụ thuộc vào từng độ cận.
Theo thống kê mới nhất của Việt Nam thì cả nước đang có 3 triệu trẻ em mắc tật khúc xạ, trong đó hơn 2 triệu trẻ bị cận thị và tập trung chủ yếu tại thành thị với tỉ lệ chiếm trên 35%.
2. Cận thị ở trẻ nhỏ có nguy hại gì?
Phụ huynh không được chủ quan với tật cận thị ở trẻ em nếu không có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm gây mất thị lực vĩnh viễn. Cận thị ở trẻ em cũng được chia làm 3 mức độ:
Cận thị nhẹ (dưới -3.00 đi-ốp): Chỉ ảnh hưởng đến khả năng nhìn xa và gây ra những bất tiện trong đời sống hằng ngày, không có nguy hiểm đến mắt.
Cận thị trung bình (từ -3.25 đến -6.00 đi-ốp): Trẻ gặp khó khăn trong sinh hoạt, ảnh hưởng đến học tập, gây khó khăn khi tham gia các hoạt động thể thao, ngoài trời. Độ cận tăng dần theo thời gian và có thể diễn biến nặng.
Cận thị nặng (trên -6.00 đi-ốp): Cận thị nặng ở trẻ có thể tăng độ nhanh chóng và phát triển thành một bệnh ở mắt với nguy cơ cao bị bong võng mạc, tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể và đe dọa gây mất thị lực vĩnh viễn.
Khi biết chính xác mức độ cận sẽ tìm được những cách điều trị phù hợp nhất với trẻ. Thông thường độ cận có thể tăng từ 0.25 đến 1 đi-ốp mỗi năm, do đó cần khám mắt định kỳ 6 tháng để theo dõi và kịp thời phát hiện bất thường.
3. Nguyên nhân trẻ bị cận thị
Có nhiều nguyên nhân gây cận thị ở trẻ em, chủ yếu là do:
Cận thị bẩm sinh: Do di truyền từ bố mẹ. Trẻ có nguy cơ mắc cận thị 60% khi có cả bố mẹ cùng mắc cận thị, tỷ lệ này còn 40% nếu chỉ bố hoặc mẹ mắc phải. Đặc biệt khi bố mẹ bị cận thị nặng (từ -6 đi-ốp trở lên) trẻ sinh ra gần như 100% bị cận thị từ khi còn rất nhỏ. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây cận thị ở trẻ dưới 3 tuổi.
Trẻ sinh non: Trẻ sinh non từ 2 tuần trở lên có nguy cơ mắc cận thị khi được 5 đến 6 tuổi.
Trẻ sinh nhẹ cân: Trẻ có trọng lượng dưới 2.5kg đến khi 11 đến 13 tuổi có khả năng cận bị cận cao hơn những trẻ khác.
Trẻ ít ngủ, thiếu ngủ: Trẻ trong độ tuổi 7 đến 9 tuổi, nếu ngủ ít, không được ngủ đủ giấc có nguy cơ cận rất cao.
Do cấu trúc mắt thay đổi: Trục nhãn cầu dài ra hoặc giác mạc cong hơn so với nhãn cầu khiến hình ảnh rơi vào phía trước võng mạc.
Môi trường học tập, sinh hoạt thiếu khoa học: Thói quen xem TV, học bài ở nơi không đủ sáng, tư thế ngồi học bài không phù hợp, thời gian sử dụng thiết bị điện tử quá lâu với khoảng cách không thích hợp,…
4. Triệu chứng cận thị ở trẻ em
Trẻ em có thể bị cận thị bẩm sinh hoặc cận thị do các yếu tố môi trường tác động. Do đó, bố mẹ cần phải quan sát thói quen sinh hoạt thường ngày của con để phát hiện những điều bất thường, cụ thể:
Khi nhìn xa trẻ thường tập trung lâu và nheo mắt, nghiêng đầu khi nhìn.
Khi học bài, sử dụng thiết bị điện tử luôn để ở khoảng cách gần mới có thể nhìn rõ.
Trẻ không thích tham gia những hoạt động phải nhìn xa, hoạt động thể thao.
Trẻ thường kêu mỏi mắt, đau nhức mắt.
Ở trẻ 3 tuổi cận thị thường do bẩm sinh, bố mẹ nên quan sát biểu hiện thường ngày của con để sớm phát hiện cận thị ở trẻ như sau:
Mắt trẻ nhạy cảm khi tiếp xúc với ánh sáng, thường nheo mắt khi ra ngoài trời.
Trẻ thường xuyên dụi mắt, chảy nước mắt.
Bé không thể nói đúng tên đồ vật khi để ở xa.
Cách tốt nhất để biết chính xác tình trạng sức khỏe mắt của trẻ là khám mắt định kỳ 6 tháng /lần tại các cơ sở y tế uy tín.
5. Phương pháp điều trị, kiểm soát cận thị ở trẻ nhỏ
Trẻ dưới 18 tuổi chưa thể thực hiện điều trị cận thị bằng phương pháp mổ cận nên chỉ có thể áp dụng 2 phương pháp sau đây để cải thiện thị lực.
5.1 Đeo kính cận
Kính gọng hoặc kính áp tròng (dùng cho trẻ từ 8 tuổi trở lên) sẽ giúp trẻ lấy lại thị lực tạm thời, hạn chế tăng độ. Trẻ cần được đưa đến bệnh viện mắt để được bác sĩ khám và đưa ra các lời khuyên phù hợp nhất.
5.2 Kính áp tròng Ortho-K
Phương pháp này dùng được cho trẻ từ 8 tuổi trở lên và cho các trường hợp cận từ nhẹ đến trung bình. Tuy nhiên trẻ cần được khám, kiểm tra đầy đủ và được bác sĩ tư vấn chi tiết trước khi dùng.
Mặc dù các phương pháp trên đây giúp mắt trẻ nhìn rõ gần như người bình thường nhưng vẫn mang đến nhiều bất tiện trong cuộc sống. Khi trẻ đủ 18 tuổi bạn có thể tham khảo các phương pháp phẫu thuật để xóa cận hoàn toàn giúp mắt trẻ sáng khỏe hơn.
6. Cách phòng tránh và hạn chế tăng độ cận ở trẻ em
Để trẻ có một đôi mắt sáng khỏe bạn hãy cho trẻ tập và duy trì các thói quen sau:
6.1 Chăm sóc mắt tại nhà
Môi trường học tập khoa học: đảm bảo thời gian, khoảng cách, tư thế, ánh sáng khi học tập phù hợp cho mắt.
Nghỉ ngơi hợp lý: Cho mắt có thời gian nghỉ ngơi, tránh gây áp lực lên mắt, ngủ đủ giấc từ 9 đến 11 tiếng /ngày.
Tăng cường vận động: Cho trẻ tham gia các hoạt động thể chất, hoạt động ngoài trời thường xuyên hơn.
6.2 Kiểm tra mắt định kỳ và bất cứ khi nào có biểu hiện lạ
Trẻ em cần có lịch kiểm tra mắt định kỳ 3 đến 6 tháng 1 lần và bất cứ khi nào mắt trẻ có biểu hiện khác thường. Nên đưa trẻ đến bệnh viện, phòng khám chuyên khoa để được bác sĩ khám, kiểm tra mắt và tư vấn chi tiết.
Hy vọng bài viết trên đây đã giúp bạn có được những thông tin hữu ích về cận thị ở trẻ và có thêm kiến thức về cách chăm sóc, bảo vệ mắt cho trẻ em. Nếu bạn yêu thích và thấy bài viết hữu ích hãy chia sẻ đến với nhiều người nhé!