Phương pháp mổ cắt bè củng giác mạc: Quy trình, cách chăm sóc

05/04/2023
Tác giả:
Tham vấn y khoa:
 
Cắt bè củng giác mạc
Cắt bè củng giác mạc thường được chỉ định với những bệnh nhân cườm nước giai đoạn nặng

Cắt bè củng giác mạc là gì?

Phương pháp mổ cắt bè củng giác mạc là một phẫu thuật xâm lấn ở mắt nhằm tạo lỗ rò bằng việc cắt bỏ một phần rất nhỏ của mống mắt và tạo ra một đường thông từ phía góc tiền phòng vào bên trong khoang dưới kết mạc. Từ đó giúp dẫn lưu thuỷ dịch trong mắt ra ngoài và giúp hạ nhãn áp cho bệnh nhân glocom.

Sau phẫu thuật cắt bè củng giác mạc, người bệnh thiên đầu thống cần được chăm sóc cẩn thận và theo dõi tình trạng mắt thường xuyên để phòng ngừa biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra gây ảnh hưởng đến sức khoẻ đôi mắt. Và phương pháp này cũng chỉ có tác dụng bảo vệ các tế bào sợi thần kinh chưa bị tổn thương do  glocom chứ không thể dứt điểm được bệnh lý.

Cắt bè củng giác mạc là gì?
Cắt bè củng giác mạc là một phẫu thuật xâm lấn ở mắt nhằm tạo lỗ rò thoát dịch, hạ nhãn áp

Chỉ định phẫu thuật

Phương pháp mổ cắt bè thường được chỉ định với những trường hợp bệnh nhân cườm nước sau đây:

  • Bệnh nhân Glocom góc đóng ở giai đoạn nặng, việc dùng thuốc giúp hạ nhãn áp không còn mang lại hiệu quả như mong muốn hoặc chống chỉ định với thuốc.
  • Glocom góc đóng đã có dính góc tiền phòng trên 1 nửa chu vi
  • Bệnh nhân Glocom góc đóng đã điều trị bằng Laser mống mắt chu biên nhưng thất bại.
  • Bệnh glocom bẩm sinh.
  • Bệnh glocom thứ phát, do viêm mắt, chấn thương mắt, nhãn áp không điều chỉnh với thuốc hạ nhãn áp.

Chống chỉ định phẫu thuật

Một số bệnh nhân sau đây sẽ không được chỉ định cắt bè củng giác mạc khi:

  • Mắc phải một số bệnh lý viêm cấp tính tại mắt .
Chống chỉ định phẫu thuật cắt bè củng giác mạc
Bệnh nhân mắc phải một số bệnh cấp tính tại mắt hay toàn thân không đủ điều kiện mổ

Quy trình cắt bè củng giác mạc cơ bản

Bệnh nhân cườm nước có quy trình chẩn đoán và tiến hành phẫu thuật cắt bè củng giác mạc theo 7 bước cụ thể như sau:

Bước 1: khám mắt lâm sàng

Bệnh nhân trong quá trình thăm khám mắt lâm sàng sẽ được chỉ định phương pháp mổ cắt bè khi tình trạng tăng nhãn áp ở mức báo động đi kèm với một số dấu hiệu khác như:

  • Rìa kết mạc bị cương tụ.
  • Phù đục ở giác mạc.
  • Kiểm tra đồng tử thấy bị biến dạng, méo, lệch, dính, giãn.
  • Chỉ số nhãn áp tăng cao đột ngột trên 25mmHg.
  • Phát hiện gai thị bị cương tụ hoặc tình trạng lõm gai rộng.
  • Kiểm tra góc tiền phòng để bác sĩ đưa ra chẩn đoán góc đóng hay góc mở.
  • Thị trường bị thu hẹp ở giai đoạn muộn.
  • Kết quả chụp cắt lớp vi tính võng mạc OCT cho thấy lớp sợi thần kinh quanh gai thị đã bị teo mỏng.

Bệnh nhân lúc này sẽ được chỉ định thực hiện phẫu thuật luôn nếu đủ điều kiện sức khoẻ hoặc hẹn lịch phẫu thuật vào một ngày thích hợp. Với những bệnh nhân có tiền sử bệnh lý khác ở mắt hay toàn thân sẽ được chỉ định điều trị, khắc phục ổn định những bệnh đó trước.

Quy trình cắt bè củng giác mạc cơ bản
Bệnh nhân sẽ được chỉ định thực hiện phẫu thuật luôn nếu đủ điều kiện sức khoẻ

Bước 2: Khám toàn thân trước mổ

Trước khi tiến hành thủ thuật, bệnh nhân sẽ được chỉ định thực hiện một số xét nghiệm cận lâm sàng để xác định tình trạng sức khoẻ có đáp ứng đủ yêu cầu để tiến hành phẫu thuật không:

  • Khám tổng toàn thân: Kiểm tra tim, phổi, huyết áp cơ thể, kiểm tra tai mũi họng.
  • Xét nghiệm máu bao gồm: Công thức máu, đường huyết, đông máu, nhóm máu…
  • Siêu âm tim, phổi: Điện đồ tim, siêu âm tim, chụp X quang tim phổi trong trường hợp bệnh nhân có dấu hiệu nghi ngờ. 

Ngoài ra, bệnh nhân có thể lựa chọn thêm phương pháp nuôi cấy vi khuẩn làm kháng sinh đồ nhằm phát hiện sự để kháng của vi khuẩn với kháng sinh.

Xét nghiệm trước mổ
Tiến hành xét nghiệm trước khi thực hiện phương pháp mổ cắt bè

Bước 3: Tư vấn trước phẫu thuật

Bệnh nhân được tư vấn kỹ lưỡng trước khi tiến hành phẫu thuật về tổng thể ca mổ, tình trạng bệnh, ưu điểm cùng những rủi ro có thể gặp phải trong quá trình tiến hành phẫu thuật. Trong lúc tư vấn này, chuyên viên đồng thời sẽ tiến hành tra thuốc nhỏ mắt betadin 5% kháng sinh cho bệnh nhân và cho họ uống thuốc acetazolamid 0,25g x 2 viên trước thuật từ 1 – 2 giờ và đánh dấu mắt phẫu thuật.

Bước 4: Tiến hành phẫu thuật

Bác sĩ trước khi thực hiện ca mổ sẽ kiểm tra hồ sơ bệnh án, kiểm tra bệnh nhân, đúng người bệnh đó, đúng chỉ định phương pháp mổ cắt bè và đúng mắt cần tiến hành phẫu thuật. Mọi thứ sẵn sàng sẽ bắt đầu thực hiện kỹ thuật. Quy trình thực hiện như sau:

  1. Gây tê tại chỗ hoặc gây mê.
  2. Bộc lộ vùng phẫu thuật: Đặt chỉ giác mạc hay chỉ cơ trực trên nhằm bộc lộ vùng rìa trên. Vị trí phẫu thuật có thể nằm ở chính giữa 12 giờ hoặc sẽ nằm lệch về phía góc phần tư mũi trên hay phía trên của thái dương. Với những bệnh nhân nằm ở trường hợp đặc biệt có thể chọn lựa vùng khác.
  3. Tiến hành mở kết mạc. Bác sĩ có thể sẽ tiến hành mở kết mạc ở sát rìa đáy quay về cùng đồ hoặc có thể mở luôn kết mạc cùng đồ nằm cách rìa từ 8 10mm, đáy sẽ quay về rìa.
  4. Tạo vạt cho củng mạc: Bác sĩ có thể sẽ tạo vạt cho củng mạc thành hình chữ nhật hoặc hình tam giác. Thông thường vạt sẽ có kích thước 3 x 4mm và chiều sâu sẽ bằng 3/4 chiều đáy của củng mạc. Ở bước này, với những trường hợp người bệnh có nguy cơ tái phát lại cao, bác sĩ có thể cân nhắc áp thuốc chống chuyển hóa.
  5. Tiến hành chọc tiền phòng, hạ nhãn áp một cách từ từ
  6. Tiến hành cắt bè củng mạc với kích thước siêu nhỏ 1x 2mm: Bác sĩ sẽ rạch 2 đường song song có khoảng cách 1mm. Đường đầu tiên sẽ có ranh giới nằm giữa cùng trắng củng mạc với vùng rìa xám. Còn đường thứ 2 nằm vào ranh giới của vùng xám rìa và vùng trong suốt của giác mạc. Tiếp sau đó bác sĩ sẽ dùng kéo để cắt 2 đầu.
  7. Cắt mống mắt chu biên: Với bước này bác sĩ sẽ sử dụng kẹp phẫu tích cặp vuông góc với mống mắt để kéo ra, đồng thời sử dụng kéo để cắt sát nền của củng mạc.
  8. Tiến hành khâu phục hồi và nắp củng mạc: Ở bước này các mũi chỉ khâu phải được đảm bảo có độ chặt vừa phải, cho phép thủy dịch thấm, rỉ, thoát ra ngoài khi bơm nước, kiểm tra tiền phòng sâu hơn so với trước mổ.
  9. Tiến hành khâu, phục hồi lại kết mạc.
  10. Bác sĩ sẽ tiến hành tái tạo lại góc tiền phòng bằng một số dung dịch chuyên dụng như: Ringer lactat hay bằng hơi thông qua đường chọc tiền phòng.
  11. Bệnh nhân được tiêm kháng sinh và kháng viêm corticoid, kết thúc quá trình phẫu thuật, người bệnh được đưa về phòng hậu phẫu.
phẫu thuật cắt bè củng giác mạc
Mổ cắt bè củng giác mạc phải được thực hiện bằng bác sĩ chuyên nhãn khoa dày dặn kinh nghiệm

Bước 5: Theo dõi sau phẫu thuật

Bệnh nhân sẽ được kê đơn thuốc điều trị với sự kết hợp của các loại thuốc khác nhau bao gồm:

  • Thuốc chống viêm steroid đường nhỏ mắt, tra trực tiếp tại chỗ từ 4 – 6 lần/ ngày. Sử dụng thuốc kéo dài từ 4 – 6 tuần sau đó.
  • Dùng kháng sinh tại chỗ trong 2 tuần đầu tiên hậu phẫu thuật.
  • Tái khám mắt định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ khoảng 6 tháng/lần.
Theo dõi sau phẫu thuật
Sử dụng thuốc kháng sinh, chống viêm sau phẫu thuật cắt bè củng giác mạc

Bước 6: Khắc phục các biến chứng (nếu có)

Cắt bè củng giác mạc là phẫu thuật gây xâm lấn ở mắt nên có thể để lại một số biến chứng ở mắt ngay sau phẫu thuật hoặc sau mổ một thời gian như: Xơ hóa sẹo bọng, bong thể mi, bong hắc mạc, đục thủy tinh thể, tắc miệng trong lỗ rò do mống mắt hay do máu, nhãn áp thấp… Tùy từng biến chứng, bác sĩ sẽ có biện pháp khắc phục phù hợp, bảo vệ thị lực cho người bệnh.

Cách chăm sóc mắt sau cắt bè củng giác mạc

Ngay sau khi mổ cắt bè củng giác mạc, người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ nghiêm ngặt chỉ định sử dụng thuốc của bác sĩ. Thuốc phải đảm bảo dùng đúng chỉ dẫn, đúng liều và thời gian quy định. Đảm bảo khoảng thời gian đều nhau giữa các lần tra thuốc nhỏ mắt, phân đều vào các buổi sáng, trưa, chiều, tối.

Cách chăm sóc mắt sau cắt bè củng giác mạc
Tuân thủ tuyệt đối chỉ định của bác sĩ về cách dùng thuốc

Nếu bệnh nhân được chỉ định tra các loại thuốc nhỏ mắt khác nhau phải nhớ tra cách nhau mỗi lần 10 phút để hạn chế tối đa các phản ứng chéo xảy ra gây kích ứng cho mắt. Cách tốt nhất khi tra thuốc là kéo nhẹ mi dưới xuống rồi nhỏ thuốc vào cùng đồ dưới. Cùng với đó, trong quá trình chăm sóc mắt sau phẫu thuật, bệnh nhân cần lưu ý một số điều sau đây:

  • Rửa tay sạch sẽ trước khi tra thuốc, không đưa tay bẩn chạm vào mắt hay xoa mặt ở gần mắt.
  • Tránh các hoạt động gây va chạm vào mắt như: Nằm vắt tay lên trán, tư thế nằm sấp hay vận động mạnh…
  • Thường xuyên vệ sinh mắt hàng ngày, nên đeo kính thường xuyên để bảo vệ mắt tránh khỏi các tác nhân gây hại từ môi trường bên ngoài.
  • Nghỉ ngơi nhiều hơn để mắt được nghỉ ngơi, hạn chế điều tiết. Hạn chế lo lắng, suy nghĩ, tâm lý phải luôn thoải mái để không tác động, căng thẳng đến dây thần kinh thị giác.
  • Thiết lập chế độ ăn uống đảm cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho mắt và cơ thể, không ăn kiêng trong thời gian này, tránh xa các gia vị có tính cay nóng cùng các chất kích thích nguy hại như: Rượu, bia, thuốc lá, cà phê…
  • Tái khám theo đúng lịch hẹn của bác sĩ để theo dõi quá trình hồi phục của mắt cũng như phát hiện sớm những biến chứng có thể gặp phải để có biện pháp khắc phục sớm

Khi phát hiện các dấu hiệu bất thường ở mắt như: Đau nhức mắt, thị lực suy giảm đột ngột… cần đến ngay cơ sở y tế chuyên nhãn khoa để được thăm khám, kiểm tra và xử lý kịp thời.

Cắt bè củng giác mạc hay phương pháp phẫu thuật khác trong điều trị glocom đều chỉ nhằm bảo vệ chức năng thị giác còn lại chứ không thể dứt điểm bệnh lý. Hiện tại chưa có phương pháp nào được công nhận có thể điều trị khỏi hoàn toàn bệnh lý nguy hiểm gây mù loà thứ 2 trên thế giới này. kể cả đã phẫu thuật, bệnh vẫn có khả năng tiến triển, vì vậy người bệnh cần tái khám mắt định kỳ thường xuyên để đánh giá chức năng thị giác.

khám mắt định kỳ
Bệnh nhân cườm nước sau phẫu thuật cần phải thăm khám định kỳ để theo mắt

Tóm lại, trên đây là toàn bộ thông tin về phương pháp mổ cắt bè củng giác mạc, phẫu thuật thường được chỉ định ở giai đoạn nặng, bệnh nhân dùng thuốc không mang lại hiệu quả nữa. Hy vọng bài viết sẽ mang lại cho bạn những thông tin hữu ích. Hãy liên hệ ngay với chúng tôi nếu bạn còn thắc mắc cần được tư vấn, giải đáp nhé!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *