Loạn thị bẩm sinh là gì? Có chữa được không?

16/01/2022
Tác giả:
Tham vấn y khoa:
 

Nguyên nhân của loạn thị bẩm sinh hiện chưa thể xác định chính xác. Tuy nhiên tật khúc xạ này vẫn có thể điều trị dứt điểm bằng cách mổ loạn thị. Bài viết này tham vấn bởi THS. BS Hoàng Thanh Nga sẽ giúp bạn tìm hiểu chi tiết về loạn thị bẩm sinh cũng như cách chữa trị.

loạn thị bẩm sinh
Loạn thị bẩm sinh trên mức 4 diop được xem là mức độ loạn nặng

1. Loạn thị bẩm sinh là gì?

Loạn thị bẩm sinh là tình trạng trẻ nhỏ ngay từ khi sinh ra cấu trúc mắt đã có hình dạng bất thường mà không phải là hình cầu, có thể xảy ra ở một hoặc cả hai bên mắt.

1.1 Phân loại

Theo giám đốc dịch vụ phẫu thuật khúc xạ tại trung tâm Mắt Moran thuộc đại học Utah cho biết:

  • Nếu loạn thị dưới 0.6 diop, mắt được coi là bình thường.
  • Từ 0.6 – 2 diop là loạn thị ở mức độ nhẹ.
  • Từ 2 – 4 diop là loạn thị trung bình.
  • Trên 4 diop được coi là loạn thị nặng.
Loạn thị bẩm sinh là gì?
Loạn thị hầu hết xuất hiện từ bẩm sinh

1.2 Mức độ nguy hiểm

Loạn thị có nguy hiểm không cũng là thắc mắc được nhiều người quan tâm.

Mức độ nguy hiểm của chứng loạn thị bẩm sinh được chia ra như sau:

  • Loạn thị dưới 1D: Không gây ảnh hưởng tới chức năng của thị giác.
  • Loạn thị từ 1D trở lên: Triệu chứng khó chịu, đau đầu, mắt nhìn mờ.
  • Loạn thị trên 2D hoặc loạn thị 1 bên mắt: Không điều trị sớm và không biết cách chăm sóc có thể dẫn đến nhược thị.

Theo giải đáp từ bác sĩ tham vấn Hoàng Thị Minh Châu, loạn thị bẩm sinh không quá nguy hiểm và vẫn có thể điều trị dứt điểm. Loạn thị bẩm sinh sẽ không tăng độ theo thời gian giống như cận thị hay viễn thị nhưng chúng có thể tiến triển nếu mắt gặp chấn thương.

Đặc biệt là với những bé bị loạn thị bẩm sinh và có độ loạn trên 2D, bố mẹ nên đưa bé đi khám và điều trị kịp thời để tránh tiến triển nặng. Chứng nhược thị sẽ khiến mắt không thể nhìn rõ ngay cả khi chỉnh kính. 

Đối với những trẻ nhỏ có tình trạng loạn thị nhẹ, loạn thị trung bình cần được khám mắt định kỳ để tránh nhược thị.

2. Dấu hiệu của loạn thị bẩm sinh

Để nhận biết trẻ nhỏ có mắc loạn thị bẩm sinh hay không, bố mẹ có thể quan sát những dấu hiệu sau đây:

  • Mắt nhìn mờ, có khi nhìn mờ cả xa lẫn gần, hình ảnh nhìn bị nhòe và méo mó
  • Hay nhức đầu ở vùng trán và thái dương
  • Mỏi mắt và khi nhìn phải nheo mắt
  • Thường bị chảy nước mắt, mắt bị kích thích
  • Khi nhìn vào một vật sẽ xuất hiện hai hoặc ba bóng mờ
  • Trẻ bị loạn thị bẩm sinh thường mỏi mắt và nheo mắt

Các dấu hiệu của loạn thị bẩm sinh thường diễn biến chậm, trong khoảng thời gian dài nên dễ khiến người bệnh lơ là triệu chứng của tật. Để đảm bảo an toàn thị lực, người bệnh cần được khám mắt ngay nếu có bất kỳ sự thay đổi nào.

Dấu hiệu của loạn thị bẩm sinh
So sánh tầm nhìn, hình ảnh người loạn thị nhìn với người bình thường

3. Nguyên nhân gây loạn thị bẩm sinh

Theo các chuyên gia nhãn khoa, hiện nguyên nhân gây loạn thị bẩm sinh vẫn chưa được xác định chính xác. Các nguyên nhân có thể dẫn đến loạn thị bẩm sinh như:

  • Chấn thương ở mắt trong quá trình sinh.
  • Mẹ bầu bị nhiễm khuẩn lúc mang thai.
  • Xuất hiện gen di truyền do người trong gia đình có tiền sử rối loạn ở mắt.
Nguyên nhân gây loạn thị bẩm sinh
Loạn thị cũng có thể bị tăng độ nếu người bệnh không chăm sóc mắt đúng cách

4. Loạn thị bẩm sinh có chữa được không?

Phẫu thuật được xem là biện pháp duy nhất chữa trị loạn thị bẩm sinh. Tuy nhiên, điều kiện phẫu thuật tật khúc xạ chỉ được áp dụng đối với những người trưởng thành, độ loạn ổn định, không mắc các bệnh lý mắt khác. Một số phương pháp phẫu thuật loạn thị hiệu quả hiện nay như: Relex Smile, Phakic ICL,…

Đây là giải pháp giúp bệnh nhân thoát khỏi sự lệ thuộc vào các loại kính, thị lực phục hồi nhanh, vĩnh viễn. Chi phí phẫu thuật tật khúc xạ rơi vào khoảng 14 triệu đồng – 50 triệu đồng (tùy phương pháp phẫu thuật).

Loạn thị bẩm sinh có chữa được không?
Trường hợp loạn thị bẩm sinh có dấu hiệu nặng và không điều trị trước 5 tuổi có khả năng cao dẫn đến nhược thị

5. Cách khắc phục tình trạng loạn thị bẩm sinh

Người dưới 18 tuổi mắc loạn thị bẩm sinh có thể dùng kính loạn để hỗ trợ khúc xạ, cải thiện thị lực khi nhìn hoặc đeo kính Ortho – K để cải thiện tật loạn thị tạm thời.

5.1 Đeo kính gọng

Đeo kính gọng được xem là biện pháp không can thiệp vào mắt giúp khắc phục tình trạng loạn thị. Tuy nhiên xét về quang học, giữa mắt và kính có khoảng cách khiến góc nhìn bị giới hạn nên chỉ thuận tiện khi nhìn thẳng.

Đây là phương pháp hỗ trợ khúc xạ chứ không chữa hết loạn thị bẩm sinh, sau khi bỏ kính ra vẫn còn chứng loạn như thường. Đeo kính là phương pháp hỗ trợ khúc xạ chứ không chữa hết loạn thị bẩm sinh.

Cách khắc phục tình trạng loạn thị bẩm sinh
Đeo kính gọng là giải pháp quen thuộc đối với các chứng cận, viễn, loạn thị ở trẻ em

5.2 Dùng kính Ortho – K

Kính áp tròng Ortho K giống như một khuôn định hình, giúp các tế bào biểu mô mới của giác mạc tái tạo cong đều, bù trừ độ sai lệch của mắt.

Kính dùng vào lúc đi ngủ và tháo ra khi thức dậy, sau khi tháo kính áp tròng Ortho-K người bệnh có thể lấy lại thị lực tốt như bình thường trong suốt 24 giờ

Phương pháp này giúp cải thiện được tật loạn thị tạm thời, ngưng sử dụng sẽ trở về tình trạng cũ. Nếu so sánh với việc phải đeo kính gọng thì kính áp tròng Ortho-K vẫn mang lại cảm giác thoải mái, dễ chịu, tiện lợi và tính thẩm mỹ cao hơn hẳn. Chính vì vậy sản phẩm này đang ngày càng được ưa chuộng tại nước ta.

Để sử dụng kính áp tròng Ortho-K, bạn cần đến bệnh viện để khám và lựa chọn loại kính phù hợp với tình trạng sức khỏe mắt. Không nên mua kính Ortho-K tại những địa điểm không uy tín và không sử dụng nếu chưa khám mắt để xác định loại sản phẩm thích hợp.

đeo kính áp tròng ortho-k
Kính Ortho-K là sản phẩm của công nghệ hiện đại tạo ra sự thuận tiện hơn cho người dùng

6. Cách chăm sóc mắt khi bị loạn thị bẩm sinh

Rất khó để có thể phòng tránh tình trạng loạn thị bẩm sinh ở trẻ nhỏ. Tuy nhiên, theo các chuyên  gia tại Bệnh viện Mắt Hà Nội 2, để mắt có thể khỏe mạnh, giảm mỏi mắt, hạn chế loạn thị nặng hơn bạn cần biết cách chăm sóc mắt tại nhà qua chế độ sau:

  • Sử dụng kính đúng cách: Dùng loại kính loạn phù hợp với mắt và đeo đúng độ loạn. Nên chọn mua loại kính chống chói, chống tia UV, chống ánh sáng xanh để bảo vệ mắt tốt hơn trước các yếu tố gây hại.
  • Không gian và thời gian sinh hoạt khoa học: Lưu ý điều chỉnh ánh sáng trong phòng không quá sáng hoặc quá tối. Tư thế ngồi luôn giữ thẳng lưng và hai vai ngang bằng, khoảng cách ngồi tới các thiết bị điện tử phù hợp. Cần hạn chế và cân đối thời gian mắt dùng thiết bị điện tử.
  • Tập thể dục cho mắt: Thực hiện các bài tập cho mắt loạn thị hàng ngày để mắt được thư giãn, nghỉ ngơi.
  • Dùng thuốc nhỏ mắt phù hợp: Thuốc nhỏ mắt giúp mắt bớt khô, mỏi và đau mắt. Dùng thuốc nhỏ mắt khi thấy mắt khó chịu và khi đi từ ngoài đường về.
  • Chủ động kiểm tra thị lực: Các bác sĩ khuyên người loạn thị bẩm sinh nên chủ động kiểm tra thị lực ngay tại các bệnh viện có chuyên khoa mắt để nhận biết các biểu hiện lạ ở mắt. Khám mắt định kỳ 3-6 tháng/lần để theo dõi tình trạng sức khỏe của mắt.
  • Có chế độ dinh dưỡng hợp lý: Người loạn thị bẩm sinh cần có chế độ ăn cân bằng các chất dinh dưỡng như: tinh bột, chất đạm, đường, chất béo, vitamin và chất khoáng. Những thực phẩm tươi xanh, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm là những lựa chọn tốt giúp cải thiện thị lực. Nên ăn các loại thức ăn giàu chất dinh dưỡng, mềm, dễ hấp thu và tiêu hóa để cung cấp năng lượng đầy đủ cho cơ thể, trong đó có đôi mắt.
Cách chăm sóc mắt khi bị loạn thị bẩm sinh
Hãy để trẻ đeo kính loạn thị đúng cách

Những thông tin bên trên đã giúp bố mẹ giải đáp các thắc mắc về loạn thị bẩm sinh. Để có thể hiểu rõ hơn nữa về loạn thị bẩm sinh và chọn ra phương pháp chữa trị phù hợp, bố mẹ cần đưa trẻ đến trực tiếp bệnh viện chuyên về mắt để được các bác sĩ trước tư vấn cụ thể nhất.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *