Bác sĩ tư vấn: Mắt bị cườm nước có mổ được không?

19/02/2023
Tác giả:
Tham vấn y khoa:
 
mắt bị cườm nước có mổ được không?
Mắt bị cườm nước có mổ được không còn phụ thuộc vào tình trạng của bệnh nhân

Bị cườm nước ở mắt có mổ được không?

Mắt bị cườm nước có thể mổ được tuỳ vào tình trạng bệnh cũng như thể trạng của người bệnh. Tuy nhiên, phẫu thuật thường không phải là phương pháp điều trị đầu tay. Đa phần các bệnh nhân glocom thường được chỉ định điều trị nội khoa bằng thuốc hạ nhãn áp đầu tiên.

Mổ cườm chỉ được chỉ định sau khi người bệnh đã được điều trị bằng phương pháp khác nhưng không mang lại hiệu quả hoặc vì một số lý do, biến chứng khác ở mắt. Phẫu thuật lúc này là lựa chọn cuối cùng để bảo tồn thị lực cho người bệnh, giữ lại phần thị lực chưa bị glocom đánh cắp.

Mổ cườm nước thường có nhiều phương pháp khác nhau, với mỗi tình trạng bệnh lý khác nhau, bác sĩ sẽ hội chẩn, cân nhắc chọn lựa phương pháp phù hợp nhất với tình trạng bệnh. Và theo đó, chi phí phẫu thuật tăng nhãn áp cũng khác nhau. Hiện tại có 4 phương pháp chính được bác sĩ tin dùng nhiều nhất là:

  • Phẫu thuật cắt bè củng giác mạc.
  • Phẫu thuật cắt củng mạc sâu
  • Quang đông thể mi.
  • Đặt van dẫn lưu tiền phòng
Bị cườm nước ở mắt có mổ được không?
Mổ cườm nước thường có nhiều phương pháp khác nhau, được chỉ định phù hợp từng tình trạng bệnh

Cườm nước là một bệnh lý thần kinh, đa phần do tăng nhãn áp đè đẩy vào các tổ chức bên trong nhãn cầu và hậu quả cuối cùng dẫn tới tổn thương dây thần kinh thị giác, tổn thương thị trường dẫn đến mù vĩnh viễn. Hiện tại, glocom đang được mệnh danh là kẻ cướp thị giác “thầm lặng”, là nguyên nhân gây mù loà thứ 2 chỉ sau đục thuỷ tinh thể.

Một điều nguy hiểm là trong bệnh cườm nước thần kinh thị giác đã bị tổn hại sẽ không thể hồi phục được, vì vậy mọi biện pháp kể cả phẫu thuật chỉ giúp giữ lại phần thị lực chưa bị mất chứ không thể phục hồi lại thị lực đã mất. Người bệnh thường sẽ phải điều trị suốt đời.

Điều kiện phẫu thuật cườm nước là gì?

Điều kiện phẫu thuật cườm nước còn phụ thuộc vào tình trạng tiến triển của bệnh, các bệnh lý toàn thân, bệnh ở mắt khác. Căn cứ vào đó bác sĩ sẽ chỉ định những phương pháp điều trị khác nhau. Thông thường mổ cườm thường được chỉ định với những bệnh nhân giai đoạn nặng không còn đáp ứng với thuốc hạ nhãn áp nữa. Cụ thể những bệnh nhân có tiền sử bệnh với những điều kiện sau đây:

  • Những bệnh nhân bị glocom góc đóng nguyên phát, các góc đóng > 180 độ, tức là góc bị đóng trên một nửa chu vi.
  • Bệnh nhân bị dính mống mắt gây nghẽn đồng tử.
  • Bệnh nhân được chẩn đoán mắc thể bệnh glocom tân mạch.
  • Người bị glocom thứ phát, gặp biến chứng từ các bệnh lý khác ở mắt như: Chấn thương mắt, hội chứng nội mô giác mạc mống mắt (ICE), viêm màng bồ đào, sau phẫu thuật thuỷ tinh thể, sau phẫu thuật dịch kính – võng mạc,..
  • Glocom bẩm sinh.

Căn cứ vào những điều kiện bệnh lý của từng bệnh nhân trên đây, khi thăm khám mắt, bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp mổ glocom phù hợp nhất giúp đạt hiệu quả, bảo vệ tốt phần thị lực còn lại chưa bị glocom đánh cắp.

Điều kiện phẫu thuật cườm nước là gì?
Những người bệnh cườm nước giai đoạn nặng thường được chỉ định phẫu thuật nếu đủ điều kiện

Trường hợp nào không thể tiến hành phẫu thuật cườm nước?

Một số trường hợp bệnh nhân không đủ điều kiện phẫu thuật cườm nước như:

  • Giác mạc quá phù hay giác mạc bị, viêm, loét, trợt giác mạc.
  • Các viêm nhiễm cấp tính tại mắt, viêm màng bồ đào.
  • Các bệnh lý toàn thân khác và bệnh lý tại mắt không đủ điều kiện cho phép.
  • Người bệnh có kết mạc quá xơ sẹo, dễ gây dính làm giảm hiệu quả điều trị.

Những người bệnh này cần phải khắc phục tình trạng tại mắt cũng như toàn thân trước, khi đạt chỉ số ổn định, bác sĩ sẽ chỉ định mổ cườm nước theo phương pháp phù hợp nhất.

Trường hợp nào không thể tiến hành phẫu thuật cườm nước?
Không phải trường hợp bị cườm nước nào ở mắt cũng đáp ứng điều kiện để mổ

Mắt bị cườm nước được chỉ định mổ khi nào?

Mổ cườm nước chỉ được chỉ định sau khi bệnh nhân đã được điều trị bằng thuốc hạ nhãn áp hoặc laser nhưng không đáp ứng hoặc mức độ đáp ứng chưa đủ.

Mặt khác cũng có một số trường hợp bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật luôn để làm giảm nhanh áp suất trong mắt. Thường gặp ở những người bệnh bị cơn glocom cấp (hay gọi là thiên đầu thống). Mổ cườm nước lúc này được chỉ định nhanh để tạo kênh thoát thuỷ dịch, làm giảm nhanh áp lực cho nhãn áp đảm bảo an toàn cho hệ thống thần kinh thị giác.

Ngoài ra, với một số trường hợp bệnh nhân không đủ điều kiện để điều trị bằng thuốc hay điều kiện không cho phép để đi lại tái khám, theo dõi mắt thường xuyên, không thể tuân thủ chế độ điều trị bệnh bằng thuốc theo chỉ định của bác sĩ… sẽ được chỉ định tiến hành phẫu thuật sớm.

Tuy nhiên, sau mổ cườm nước người bệnh vẫn có thể phải tiếp tục sử dụng thuốc hạ nhãn áp theo đơn kê của bác sĩ tuỳ vào tình trạng nhãn áp sau mổ.

Ngoài ra, bạn cũng nên tìm hiểu thật kỹ cách chăm sóc mắt sau phẫu thuật glocom để giúp mắt phục hồi tốt nhất.

Mắt bị cườm nước được chỉ định mổ khi nào?
Sau mổ cườm nước, người bệnh vẫn tiếp tục sử dụng thuốc theo đơn kê của bác sĩ

 

Tóm lại, mắt bị cườm nước có thể can thiệp mổ được, tuy nhiên điều kiện mổ còn phụ thuộc vào tình trạng mắt, thể bệnh glocom và các bệnh lý toàn thân của bệnh nhân. Mục đích của mổ glocom là để giúp hạn chế tốc độ tiến triển của bệnh, bảo vệ phần thị lực chưa bị mất chứ không thể chữa khỏi hoàn toàn cũng như lấy lại thị lực như ban đầu. Hãy chia sẻ bài viết rộng rãi với mọi người để cùng có thêm những thông tin hữu ích bạn nhé!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *