Mỏi mắt nhưng không ngủ được: 6 điều bạn nên làm ngay

06/04/2023
Tác giả:
Tham vấn y khoa:
 
Mỏi mắt nhưng không ngủ được
Mỏi mắt nhưng không ngủ được là biểu hiện rối loạn giấc ngủ phổ biến

Tại sao bạn mỏi mắt nhưng không ngủ được?

Giấc ngủ là một nhu cầu thiết yếu của mỗi người và phải được đáp ứng tốt để đảm bảo sức khỏe, sinh hoạt hàng ngày. Sau một ngày dài chạy theo sự tất bật, hối hả của cuộc sống, một giấc ngủ ngon sẽ làm bạn giảm bớt mệt mỏi, căng thẳng, nạp thêm nguồn năng lượng cho ngày mới.

Tuy nhiên, hiện nay rất nhiều người đang gặp phải tình trạng mỏi mắt nhưng không thể ngủ được. Hiện tượng này có thể xuất phát từ những yếu tố bên ngoài do thói quen sinh hoạt thiếu khoa học hoặc di bị ảnh hưởng bởi tâm trạng. Tuy nhiên nó cũng có thể là những dấu hiệu cảnh báo ban đầu của chứng mất ngủ cấp tính hay biểu hiện của suy nhược thần kinh…

tại sao bạn mỏi mắt nhưng không ngủ được?
Mỏi mắt nhưng bạn không ngủ được có thể do bạn đang bị suy nhược thần kinh

Mỏi mắt nhưng không ngủ được có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Dưới đây sẽ là những nguyên nhân phổ biến nhất gây ra tình trạng khó chịu này để bạn tham khảo xem mình có nằm trong những trường hợp này không:

1. Do bạn ngủ trưa quá nhiều

Ngủ trưa là thói quen tốt và mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe của bạn nhưng bạn chỉ nên ngủ giấc trưa khoảng 20- 30 phút mỗi ngày thôi. Và nên ngủ cùng một thời điểm ở trong ngày để nhịp sinh học có thể được duy trì ổn định. Nếu bạn ngủ quá nhiều vào buổi trưa hoặc ngủ trưa muộn sẽ làm bạn bị rối loạn nhịp sinh học.

Một số nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng những giấc ngủ thoáng qua, tuy ngắn ngủi vào buổi chiều nhưng có thể khiến bạn mất nhiều thời gian hơn khi đi vào giấc ngủ ở buổi tối. Nhiều khi mắt đã mỏi lắm rồi mà không thể ngủ được hoặc ngủ không ngon giấc, chợt tỉnh vào ban đêm.

ngủ trưa nhiều
Ngủ trưa quá nhiều làm nhịp sinh học bị rối loạn

2. Do căng thẳng thần kinh

Theo nghiên cứu từ các chuyên gia, việc bạn bị căng thẳng thần kinh là nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến tình trạng mất ngủ mãn tính. Khi đang ở trong tâm trạng lo âu, căng thẳng, nghĩ ngợi về một vấn đề nào đó quá nhiều sẽ dễ khiến bạn bị rơi vào tình trạng rối loạn giấc ngủ như này.

Những áp lực về công việc, cuộc sống hàng ngày dễ khiến tâm trạng bạn bất ổn. Lo lắng có thể khiến não bộ bạn tăng hưng phấn bất thường và tỉnh táo gây ra sự trì hoãn cho giấc ngủ.

Ngoài ra, một số tâm trạng kích thích khác của con người có thể dẫn đến tình trạng mắt mỏi và cay nhưng không ngủ được như: Đang cáu gắt, nóng giận, giận dỗi một ai đó hay đang có vấn đề bức xúc chưa thể giải tỏa được.

căng thẳng thần kinh
Căng thẳng thần kinh khiến bạn khó ngủ

3. Do sử dụng các chất kích thích não bộ

Buổi tối bạn có sử dụng cà phê, trà hay hút thuốc không…? Dùng các chất kích thích trước giờ đi ngủ sẽ khiến não bộ của chúng ta bị kích thích, hoạt động bất thường dẫn đến trình trạng mắt mỏi lắm rồi nhưng không thể ngủ được.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, khi bạn sử dụng caffeine trung bình 6 giờ trước khi đi ngủ sẽ tác động đáng kể đến rối loạn giấc ngủ. Não bộ khi rơi vào tình trạng kích thích quá mức sẽ làm cho sức khỏe tinh thần của bạn bị căng thẳng, mỏi mệt, đi vào giấc ngủ thật khó khăn.

4. Do lạm dụng thiết bị điện tử

Các thiết bị điện từ như: laptop, điện thoại, TV… có nguồn ánh sáng xanh rất nguy hại cho mắt. Chúng ta lại thường có thói quen sử dụng thiết bị điện tử trước giờ đi ngủ với quan niệm sai lầm là xem cho mỏi mắt để dễ ngủ hơn. Thực tế, việc lạm dụng thiết bị điện tử lại đem đến những kết quả trái ngược hoàn toàn.

Lạm dụng thiết bị điện tử
Lạm dụng thiết bị điện tử nhiều trước khi đi ngủ

Não bộ của chúng ta là một mạng lưới nơ-ron thần kinh rất phức tạp, chúng sẽ giúp ta gia tăng sự tỉnh táo khi làm việc và thư giãn khi chìm vào giấc ngủ. Tuy nhiên, chúng lại rất dễ bị kích thích bởi những tác động từ bên ngoài.

Khi bạn sử dụng các thiết bị điện tử, mạng lưới thần kinh lúc này sẽ được kích hoạt để đáp ứng nhu cầu. Từ đó làm cho đồng hồ sinh học của bạn bị đảo lộn gây ảnh hưởng đến giấc ngủ. Các thiết bị điện tử lại phát ra ánh sáng màu xanh với khoảng cách rất gần mắt vừa gây hại cho mắt của bạn lại gây ức chế não bộ tiết hormone khiến bạn mất ngủ, làm cản trở chu kỳ ngủ.

5. Do bạn bị nóng trong người

Khi bạn gặp phải tình trạng nóng trong người sẽ dễ cảm thấy bức bối, cáu giận vô cớ, khó kiểm soát hành vi khiến mắt tuy mỏi nhưng lại không ngủ được. Mặt khác, nhiệt độ của cơ thể chúng ta có thể bị chi phối, tác động bởi nhiệt độ của môi trường bên ngoài. Khi nhiệt độ ở trong phòng ngủ của bạn quá nóng cũng khiến bạn khó ngủ. Trung bình nhiệt độ phòng thích hợp giúp chúng ta có giấc ngủ ngon thường ở ngưỡng từ 21 – 25 độ.

mỏi mắt nhưng không thể ngủ được
Nóng trong người sẽ khiến bạn không ngủ được dù mắt mỏi

6. Do đang ăn kiêng

Chế độ ăn uống hàng ngày và giấc ngủ của chúng ta luôn có mối liên quan mật thiết với nhau. Khi bạn thay thế 5% lượng calo từ protein trong thức ăn hàng ngày bằng một lượng chất béo bão hòa tương đương hay lượng carb tương ứng sẽ làm bạn dễ buồn ngủ hơn vào ban ngày. Và vì thế ban đêm sẽ khiến bạn trằn trọc, khó vào giấc ngủ hơn.

7. Do bạn đang mắc bệnh lý toàn thân khác

Một số bệnh lý toàn thân mà bạn đang mắc phải cũng có thể là nguyên nhân tiềm ẩn khiến cho người mệt mỏi mắt lờ đờ nhưng lại không thể chìm sâu vào giấc ngủ được. Một số bệnh điển hình như:

  • Các bệnh liên quan đến đau dạ dày, trào ngược khiến người bệnh thường bị ợ hơi, ợ nóng gây ra cảm giác khó ngủ.
  • Ở những người bệnh đái tháo đường hay bệnh về thận thường có nhu cầu đi tiểu vào ban đêm cao hơn bình thường.
  • Người bệnh suy tim có thể bị rối loạn nhịp tim hay khó thở vào ban đêm gây ra cảm giác mệt mỏi nhưng không ngủ được.
  • Đau nhức xương khớp ê ẩm do rối loạn, tổn thương các dây chằng, gân cốt.
các bệnh lý toàn thân khiến bạn không ngủ được
Bệnh lý toàn thân khác có thể là nguyên nhân làm bạn mất ngủ

Đa phần các bệnh lý trên đều gây cho người bệnh những cảm giác khó chịu trong người vào ban đêm khi những cơn đau bùng phát âm ỉ hoặc dữ dội. Chúng làm cho chu kỳ giấc ngủ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, khiến bạn thêm mệt mỏi khi không thể ngủ được dù đang rất mỏi mắt rồi.

Mỏi mắt nhưng không ngủ được có nguy hiểm không?

Mỏi mắt nhưng không ngủ được tuy không phải là vấn đề khó điều trị nhưng nếu kéo dài và không có biện pháp khắc phục kịp thời sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống của bạn. Một số hậu quả có thể xảy ra nếu tình trạng này kéo dài như:

  • Ảnh hưởng đến trí nhớ: Mỏi mắt nhưng không ngủ được kéo dài sẽ khiến chúng ta bị suy giảm trí nhớ, khả năng tập trung vào công việc kém dần, năng suất làm việc giảm đi.
  • Gia tăng nguy cơ mắc bệnh huyết áp: không ngủ được khiến hệ thần kinh giao cảm hoạt động vượt quá mức bình thường dễ làm mạch máu co lại gây tăng huyết áp.
  • Dễ bị trầm cảm: Đa số những người có vướng mắc trong lòng, lo lắng không ngủ được. Nếu tình trạng này kéo dài dễ khiến não bộ có những suy nghĩ tiêu cực đi kèm với những rối loạn về cảm xúc.
  • Nội tiết tố bị rối loạn: Đời sống tình cảm, tình dục của vợ chồng cũng sẽ bị ảnh hưởng nhiều khi chứng mất ngủ kéo dài khiến hệ thần kinh căng thẳng không thể sản xuất hormone hạnh phúc.
  • Gây tăng cân: Mất ngủ khiến các cơ quan trong cơ thể hoạt động kém, hàm lượng calo bạn nạp vào hàng ngày không thể tiêu hao gây tích trữ mỡ thừa và dẫn đến tăng cân.
  • Ảnh hưởng đến mắt: Khi bạn không ngủ được, sức khỏe đôi mắt cũng bị ảnh hưởng theo khi không được nghỉ ngơi hợp lý. Mất ngủ lâu ngày có thể khiến bạn bị: Nhức mắt, suy giảm thị lực, tầm nhìn kém…
hệ lụy của tình trạng mỏi mắt nhưng không ngủ được
Mỏi mắt nhưng không ngủ được kéo dài sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy, ảnh hưởng sức khỏe

6 cách giúp bạn khắc phục tình trạng mỏi mắt nhưng không ngủ được

Mỏi mắt buồn ngủ nhưng không ngủ được có thể được khắc phục hiệu quả nếu bạn xây dựng được thói quen sinh hoạt, đi ngủ khoa học, hợp lý hàng ngày mà không cần lạm dụng đến thuốc tây y. Dưới đây là 6 điều bạn cần nhớ và thực hiện luôn để khắc phục tình trạng khó chịu trên:

1.Kiến tạo lại không gian ngủ

Không gian ngủ là yếu tố cực kỳ quan trọng chi phối nhiều đến giấc ngủ của bạn. Một không gian ngủ hoàn hảo, giúp bạn dễ chìm vào giấc ngủ cần phải đảm bảo 3 yếu tố: Yên tĩnh, mát mẻ và sạch sẽ. Bạn nên duy trì thói quen dọn dẹp, vệ sinh phòng ngủ hàng ngày, đảm bảo đủ thiết bị làm mát vào mùa hè và giữ ấm vào mùa đông.

Đặc biện, bạn có thể sử dụng tinh dầu thơm trong phòng để kiến tạo không gian thư giãn thoải mái, đem tới cảm giác dễ chịu, chìm vào giấc ngủ tự nhiên mỗi ngày.

kiến tạo lại không gian sống
Kiến tạo lại không gian phòng ngủ, dọn dẹp vệ sinh hàng ngày

2. Đi ngủ đúng giờ

Bạn nên hình thành thói quen tốt đi ngủ và thức dậy vào một khung giờ nhất định trong ngày sẽ giúp bản thân kiến tạo nên đồng hồ sinh học tự nhiên, giảm thiểu tối đa sự mệt mỏi sau mỗi lần thức giấc. Tuy nghe có vẻ đơn giản nhưng để làm được việc này bạn cần phải có sự kiên trì vì thời gian đầu sẽ hơi khó khăn khi đi ngủ hay thức dậy đúng giờ.

3. Giữ đầu óc thư thái

Trước khi bước lên giường ngủ bạn hãy trút bỏ lại sự mệt mỏi, lo âu, căng thẳng đang còn vướng bận trong lòng. Đừng để đầu óc nghĩ nhiều quá, tạm quên hết các vấn đề đang còn ngổn ngang đi. Nằm lên giường bạn hãy thả lỏng tâm trạng, đầu óc, ngừng áp lực lên não bộ sẽ khiến bạn khó ngủ.

giữ đầu óc thư thái
Hãy thả lỏng, thư giãn đầu óc giúp bạn dễ đi vào giấc ngủ

4. Từ bỏ thói quen ngủ lúc xế chiều

Chiều chiều luôn là khoảng thời gian lý tưởng của nhiều người để tranh thủ chợp mắt, ngủ một giấc ngắn. Tuy vậy bạn nên từ bỏ ngay thói quen này vì chúng là một trong những nguyên nhân chính khiến bạn khó ngủ vào ban đêm đó!

bỏ thói quen ngủ lúc xế chiều
Bỏ ngay thói quen tranh thủ chợp mắt lúc xế chiều

5. Không lạm dụng thiết bị điện tử trước khi đi ngủ

Các chuyên gia khuyến cáo bạn không nên sử dụng các thiết bị điện tử như: Máy tính, tivi, điện thoại…ít nhất 1 giờ trước khi ngủ. Việc lạm dụng các thiết bị điện tử này vừa có nguồn ánh sáng xanh không tốt cho mắt lại kích thích não bộ gây mất ngủ. Thay vào đó bạn nên nghe nhạc, đọc sách hoặc trò chuyện, tâm sự với bạn cùng giường.

6. Vận động nhẹ nhàng khi khó ngủ

Nếu mỏi mắt nhưng nằm mãi mà không ngủ được, sau khoảng nửa tiếng như vậy bạn nên ra khỏi giường, di chuyển nhẹ nhàng vài vòng quanh phòng cho cơ thể thoải mái, thư giãn, đỡ mỏi rồi hãy quay lại giường ngủ. Bạn có thể thư giãn đầu óc bằng việc nghe nhạc hay đọc sách để chờ cơn buồn ngủ ập đến.

6 cách trên đây phù hợp với những người mỏi mắt nhưng không ngủ được thoáng qua với giai đoạn ngắn. Khi mất ngủ kéo dài, mắt mỏi, ảnh hưởng đến sức khỏe chất lượng cuộc sống có thể là triệu chứng ban đầu của một số bệnh lý, bạn cần phải đi kiểm tra sức khỏe, thăm khám mắt để tầm soát bệnh và có cách điều trị phù hợp.

khám sức khỏe
Mỏi mắt nhưng không ngủ được kéo dài bạn cần phải đi khám sức khỏe

Tóm lại, mỏi mắt nhưng không ngủ được trong một thời gian ngắn bạn có thể tự khắc phục tại nhà bằng cách điều chỉnh lại thói quen sinh hoạt hợp lý, khoa học. Nhưng nếu tình trạng này kéo dài khiến cơ thể mệt mỏi, tinh thần sa sút thì cần phải đi thăm khám để tìm ra nguyên nhân và có cách điều trị phù hợp. Chia sẻ bài viết rộng rãi với mọi người để có thêm nhiều thông tin hữu ích bạn nhé!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *