PHẪU THUẬT LASIK AN TOÀN VỚI CÁC CÔNG NGHỆ TIÊN TIẾN VÀ CROSSLINKING

13/06/2017
Tác giả:
Tham vấn y khoa:
 
Phẫu thuật khúc xạ là một phẫu thuật có tính an toàn cao và chính xác. Hàng năm, trên thế giới có tới hàng trăm nghìn người được thực hiện kỹ thuật này với mục đích là loại bỏ sự phụ thuộc vào kính đeo và làm tăng chất lượng thị giác cũng như chất lượng cuộc sống.
Do phẫu thuật được thực hiện trên những mắt không có bệnh lý gì ngoài tật khúc xạ nên tính an toàn của phẫu thuật được đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể thực hiện phẫu thuật và phẫu thuật khúc xạ nào cũng là an toàn tuyệt đối. Mặc dù là rất ít nhưng phẫu thuật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ nếu không được chỉ định đúng.
Các phẫu thuật khúc xạ phần lớn tác động lên giác mạc, bào mỏng giác mạc để làm thay đổi độ cong của giác mạc để điều chỉnh tiêu cự của hình ảnh hội tụ vào trong mắt. Có một tỷ lệ nhất định trong cộng đồng mà giác mạc không cho phép tiến hành phẫu thuật hoặc nếu có phẫu thuật thì phải tiến hành theo những quy chuẩn kỹ thuật hết sức ngặt nghèo. Các bất thường của giác mạc được phát hiện bằng phương pháp chụp bản đồ giác mạc. Tuy nhiên, không phải thiết bị chụp bản đồ giác mạc nào cũng phát hiện được các bệnh lý giác mạc nguy cơ. Chỉ những thiết bị chụp bản đồ tích hợp các công nghệ chụp bản đồ mặt trước, mặt sau và bản đồ độ dày mới có thể phát hiện chính xác các nguy cơ, giúp bệnh nhân tránh được các can thiệp không đáng có trên giác mạc. Những bệnh lý đáng ngại nhất cần tránh can thiệp trên giác mạc là bệnh lý giác mạc hình chóp, giác mạc quá mỏng cũng như một số loại thoái hóa giác mạc đặc biệt khác.
Các phẫu thuật khúc xạ phổ biến hiện nay vẫn là phẫu thuật Lasik. Thực hiện kỹ thuật này bao gồm hai bước:

· Bước 1: Tạo một vạt giác mạc mỏng, sau đó lật vạt giác mạc lên và tia laser được chiếu xuống dưới để bào mòn giác mạc, tạo hình lại độ cong của giác mạc.

· Bước 2: Vạt giác mạc được đậy trở lại vị trí cũ.

Việc tạo vạt có thể được thực hiện bằng dao vi phẫu microkeratome hoặc bằng laser femtosecond. Mặc dù, việc sử dụng dao vi phẫu tạo vạt vẫn đang được sử dụng rộng rãi tại các trung tâm lasik ở Việt Nam, nhưng trên thế giới phương pháp này đã ngày càng ít được sử dụng. Nguyên do là việc tạo vạt bằng dao tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai biến như rách vạt, vạt mỏng không đều, thủng vạt… Ngay cả khi tạo vạt thành công thì vạt do dao tạo ra cũng không đồng đều về độ dày, thường là vạt khá dày. Điều này, dẫn đến là phần nhu mô còn lại để chiếu laser sẽ bị mỏng đi rất nhiều, nếu điều trị độ khúc xạ cao sẽ không an toàn do nền giác mạc còn lại là rất mỏng sau khi chiếu laser, đồng thời làm tăng nguy cơ giãn phình giác mạc sau phẫu thuật, để lại những hậu quả nặng nề về thị giác.
Hiện nay, dấu ấn công nghệ ngày càng in đậm trong phẫu thuật khúc xạ với các loại máy móc sàng lọc nguy cơ cũng như các máy móc phục vụ cho phẫu thuật cực kỳ tiên tiến. Điều này, giúp cho phẫu thuật ngày càng hiệu quả và an toàn. Phẫu thuật Lasik đã tiến đến một bước nhảy vọt mới là hoàn toàn sử dụng laser để điều trị mà không cần dung dao hay còn gọi là phẫu thuật FEMTO lasik. Việc tạo vạt bằng laser femtosecond là một sự lựa chọn chính xác và an toàn. Bác sỹ có thể điều chỉnh được chính xác kích thước, độ dày của vạt cần tạo với tính an toàn cực kỳ cao, hầu như không xảy ra biến chứng. Vạt được tạo bằng laser femtosecond sẽ mịn và mỏng đều, do vậy tiết kiệm được chiều dày cho phần nền giác mạc phía dưới. Đặc biệt, trong trường hợp giác mạc mỏng thì việc tạo vạt bằng laser femtosecond rất có ý nghĩa về độ an toàn.

 

 
Laser femtosecond còn giúp thực hiện được một phẫu thuật khúc xạ đặc biệt đó là phẫu thuật RELEX Smile, với việc cắt tạo ra một đĩa nhu mô trong chiều dày giác mạc và đĩa nhu mô này được lấy ra ngoài qua một đường rạch nhỏ 2mm.
Dù thực hiện phẫu thuật bằng phương pháp nào thì phần mô giác mạc còn lại sau khi cắt tạo vạt giác mạc và bào mòn giác mạc để điều chỉnh tật khúc xạ cũng sẽ bị yếu đi từ 20 – 30% tính bền cơ học, tạo điều kiện thuận lợi cho tình trạng giãn phình giác mạc xảy ra khi mô giác mạc còn lại quá yếu. Tình trạng này có thể xảy ra sớm hoặc rất muộn có khi tới hàng chục năm sau phẫu thuật, mặc dù chiếm một tỷ lệ rất nhỏ nhưng lại có thể gây ra những tác động rất nặng nề tới thị giác. Để hạn chế tình trạng giác mạc bị suy yếu sau phẫu thuật, các bác sỹ đã ứng dụng kỹ thuật crosslinking để làm bền chắc lại giác mạc sau phẫu thuật. Đây là một kỹ thuật mới hiện nay đang được áp dụng ở nhiều tại các trung tâm nhãn khoa lớn trên thế giới, nhưng chỉ được áp dụng ở một số ít trung tâm khúc xạ ở Việt Nam. Kỹ thuật được tiến hành phối hợp với phẫu thuật Lasik bằng cách dẫn một loại thuốc riboflavin đặc biệt vào trong nhu mô giác mạc rồi chiếu một liều lượng tia cực tím loại A lên giác mạc.
 

Dưới tác động của tia UVA, riboflavin bị oxy hóa tạo thành các cầu nối gắn kết các sợi collagen của giác mạc lại với nhau, tạo thành những mạng lưới chắc chắn và khỏe mạnh làm tăng cường sức mạnh và bền chắc cho nhu mô giác mạc còn lại. Mặc dù, có thể được chỉ định rộng rãi với mục đích phòng ngừa tình trạng suy yếu của giác mạc, phương pháp crosslinking phối hợp với lasik – còn gọi là Lasik Xtra, thực sự cần thiết cho những bệnh nhân mổ lasik mà tuổi còn trẻ (<24 tuổi), người có tình trạng dị ứng mắt với nguy cơ day dụi mắt nhiều, người có tiền sử gia đình có người bị bệnh giác mạc hình chóp, giác mạc mỏng, điều trị độ cận cao, giác mạc có sự bất cân xứng… Với những công nghệ sàng lọc nguy cơ và điều trị khúc xạ tiên tiến, đặc biệt phẫu thuật Lasik phối hợp với kỹ thuật crosslinking giúp làm bền vững giác mạc, mang lại cho bệnh nhân một đôi mắt sáng và thực sự khỏe mạnh.

Viết bởi: Bác sỹ Đặng Xuân Nguyên.
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *