ĐĂNG KÝ KHÁM VÀ TƯ VẤN
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của quý khách.
Chúng tôi sẽ liên hệ trong thời gian sớm nhất.
Bệnh glôcôm ngày nay được xếp vào loại bệnh của đầu thị thần kinh với 3 yếu tố đặc trưng :
1.Tăng nhãn áp
2. Tổn thương chức năng thị giác: thị trường thu hẹp, thị lực giảm
3. Tổn thương đầu thị thần kinh, biểu hiện bằng lõm teo gai thị
Các phương pháp khám và chẩn đoán glôcôm hiện đại
– Đo nhãn áp: Tùy từng phương pháp đo nhãn áp mà có chỉ số bình thường khác nhau. Các phương pháp đo nhãn áp tiên tiến hiện nay như phương pháp Goldmann, phương pháp đo nhãn áp không tiếp xúc cho kết quả chính xác cao. Phương pháp không tiếp xúc còn có ưu điểm hạn chế nguy cơ lây nhiễm bệnh.
Đo nhãn áp không tiếp xúc (phụt hơi)
Kết quả đo thị trường tự động
Triệu chứng bệnh glôcôm
Bệnh glôcôm do có nhiều thể bệnh và nhiều nguyên nhân khác nhau do vậy triệu chứng biểu hiện cũng rất khác nhau tùy thể loại bệnh. Các thể bệnh góc đóng biểu hiện thường cấp tính với các triệu chứng rất điển hình, các thể góc mở thường khó nhận biết nên thường bị bỏ qua đến giai đoạn rất muộn.
Glôcôm góc đóng: là thể bệnh hay gặp ở Việt Nam và châu Á. Triệu chứng thường điển hình như mắt đau nhức dữ dội, nhìn đèn thấy quầng xanh quầng đỏ, nhìn mờ nhiều đôi khi chỉ còn thấy sáng tối. Mắt co quắp khó mở mắt, chảy nước mắt nhiều và sưng đỏ. Đôi khi có những trường hợp glôcôm góc đóng bán cấp hoặc mãn tính với các triệu chứng nhẹ hơn, tái phát nhiều lần. Nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến tổn thương thần kinh thị giác trầm trọng không hồi phục.
Nguyên tắc điều trị glôcôm
Tùy thể bệnh glôcôm mà có phương pháp điều trị thích hợp. Các thể bệnh glôcôm góc mở được điều trị bằng các loại thuốc tra làm hạ nhãn áp, chỉ khi không điều chỉnh được nhãn áp bằng thuốc mới phải phẫu thuật. Các thể bệnh glôcôm góc đóng được điều trị bằng laser hoặc phẫu thuật. Ngày nay xuất hiện một số quan điểm mới về điều trị glôcôm như phẫu thuật phaco thay thể thủy tinh đục để phối hợp điều trị một số thể glôcôm góc đóng…
Các thể glôcôm góc đóng thường được chỉ định điều trị bằng laser hoặc phẫu thuật. Phẫu thuật glôcôm phổ biến là phẫu thuật cắt bè củng giác mạc. Một số trường hợp nếu có thể thủy tinh đục, bác sỹ có thể chỉ định mổ lấy thể thủy tinh bằng phaco đơn thuần để điều trị cùng một lúc hai bệnh glôcôm và đục thể thủy tinh. Mắt còn lại (cho dù chưa lên cơn glôcôm), cũng cần được điều trị dự phòng bằng cắt mống mắt chu biên để tránh bệnh xuất hiện.
Các thể glôcôm góc mở được điều trị chủ yếu bằng các loại thuốc tra hoặc bằng laser. Các thuốc tra này được dùng thường xuyên liên tục theo chỉ định của bác sỹ và cần được theo dõi định kỳ. Bác sỹ có thể chỉ định một hoặc nhiều loại thuốc tra tùy thuộc vào sự đáp ứng của bệnh nhân. Mục tiêu là đạt được một chỉ số nhãn áp bình thường ổn định. Ngoài ra còn có thể dùng laser tạo hình lại vùng bè để làm hạ nhãn áp. Khi các thuốc và laser không còn đủ tác dụng để làm hà nhãn áp, cần phải thực hiện phẫu thuật. Bệnh nhân có thể được chỉ định phẫu thuật cắt bè củng giác mạc, cắt củng mạc sâu.
Ngoài ra trong một số hình thái glôcôm đặc biệt bác sỹ có những chỉ định điều trị khác biệt. Một số trường hợp glôcôm tái phát nặng, có thể phải mổ đặt ống dẫn lưu hoặc quang đông thể mi.
Bệnh glôcôm là một bệnh phức tạp và điều trị cũng vô cùng khó khăn. Bệnh nhân phải được thấu hiểu một điều là glôcôm là một bệnh không thể chữa khỏi hoàn toàn. Kết quả điều trị hiện tại chỉ là kết quả nhất thời, bệnh có thể tái phát, hoặc thậm chí nhãn áp đã được điều chỉnh nhưng chức năng thị giác vẫn tiếp tục xấu đi, tức là bệnh vẫn tiến triển. Do vậy bệnh nhân cần được theo dõi định kỳ lâu dài để điều trị kịp thời những diễn biến không tốt của bệnh.