Tổng quan về Glôcôm và phương pháp điều trị

06/12/2023
 
Glaucoma (hay còn gọi là Glôcôm) là tình trạng áp lực trong mắt tăng lên, dẫn tới tổn hại dây thần kinh thị giác. Áp lực trong mắt được duy trì là nhờ thủy dịch nằm trước thủy tinh thể và sau giác mạc, luôn được vận chuyển ra và vào mắt. Khi có bất thường trên đường lưu thông, thủy dịch sẽ bị ứ đọng ở trong mắt làm tăng nhãn áp và gây tổn hại thần kinh thị giác.

Bệnh Glôcôm là gì?

Glôcôm, tăng nhãn áp Glocom hay Glaucoma, dân gian gọi là bệnh thiên đầu thống, là một bệnh lý nguy hiểm của mắt. Glôcôm là nguyên nhân gây mù phổ biến thứ 2 trên toàn thế giới, đặc biệt bệnh tiến triển nhanh và không có khả năng hồi phục.

Triệu chứng của bệnh Glôcôm

Việc phát hiện sớm có ý nghĩa rất lớn trong điều trị và làm chậm tiến triển của bệnh. Một số dấu hiệu nhận biết sớm bệnh thiên đầu thống Glôcôm:
benh-glocom
Hình ảnh phân biệt mắt thường và mắt bị bệnh Glôcôm
  • Nhức mắt, thấy mắt căng tức nhẹ thoáng qua hoặc nhức quanh hốc mắt;
  • Nhìn đèn có quầng xanh đỏ khi nhìn vào đèn, nhìn có đom đóm bay trước mắt. Tình trạng này có thể kéo dài cả buổi và lặp đi lặp lại trong một khoảng thời gian;
  • Mờ mắt: ở giai đoạn sớm khi tình trạng nhãn áp tăng lên có thể làm nhìn mờ như sương mù hoặc nhìn nhòe trong 1 thời gian ngắn;
  • Nhức đầu;
  • Thích nghi sáng tối kém, khó nhìn theo vật di động, nhìn khuyết góc hoặc nhìn bị che lấp một phần;
  • Mất dần tầm nhìn ngoại vi: người bệnh có cảm giác như nhìn qua đường hầm;
  • Mắt sưng đỏ, khi lấy tay di vào phần mí mắt trên thấy cứng như hòn bi;
  • Nôn hoặc buồn nôn

Ai có nguy cơ mắc bệnh Glôcôm?

  • Trên 40 tuổi. Tuổi càng cao, khả năng bị Glôcôm càng lớn. Phụ nữ có nguy cơ bị glôcôm cao gấp 2 lần đàn ông;
  • Yếu tố di truyền: Gia đình có người mắc bệnh Glôcôm;
  • Tiền sử dùng thuốc nhóm steroid kéo dài (tra mắt hoặc toàn thân);
  • Biến chứng bệnh lý toàn thân như cao huyết áp, tụt huyết áp về đêm, co thắt mạch trong bệnh lý mạch vành, hội chứng Raynaud, rối loạn tuần hoàn não, đau nửa đầu, tăng mỡ máu, bệnh đái tháo đường, bệnh lý tuyến giáp, hoặc gặp chấn thương ở mắt;
  • Người có nhãn cầu nhỏ như: viễn thị nặng, giác mạc nhỏ hoặc những người hay lo âu, dễ xúc cảm là cơ địa thuận lợi để xuất hiện cơn Glôcôm;
  • Người mắc tật khúc xạ: cận thị trên 4 diop, lão thị sớm, tăng số kính lão nhanh.
nguoi-trung-nien
Người trung niên dễ bị Glôcôm

Khi nào cần phẫu thuật điều trị bệnh Glôcôm?

Mục đích cuối cùng trong điều trị bệnh Glôcôm là làm ngừng hoặc chậm lại quá trình tiến triển của bệnh, duy trì thị lực hiện tại cho người bệnh. Tùy thuộc vào tình trạng bệnh, bệnh nhân glocom có thể được chỉ định điều trị bằng nhiều giải pháp khác nhau.
  • Đối với các thể bệnh Glôcôm góc mở, bệnh nhân được điều trị bằng các loại thuốc tra hoặc bằng laser:
  • Thuốc tra làm hạ nhãn áp, được dùng thường xuyên, liên tục theo chỉ định của bác sĩ và cần được theo dõi định kỳ,
  • Ngoài ra còn có thể dùng laser tạo hình lại vùng bè để làm hạ nhãn áp,
  • Khi các thuốc và laser không còn đủ tác dụng để làm hạ nhãn áp, cần phải thực hiện phẫu thuật.
  • Đối với các thể bệnh Glôcôm góc đóng, bệnh nhân thường được chỉ định điều trị bằng laser hoặc phẫu thuật:
  • Phẫu thuật Glôcôm phổ biến là phẫu thuật cắt bè củng giác mạc,
  • Một số trường hợp nếu có thể thủy tinh đục, bác sĩ có thể chỉ định mổ lấy thể thủy tinh bằng Phaco đơn thuần để điều trị cùng một lúc hai bệnh Glôcôm và đục thể thủy tinh,
  • Mắt còn lại (cho dù chưa lên cơn Glôcôm), cũng cần được điều trị dự phòng bằng cắt mống mắt chu biên để tránh bệnh xuất hiện.
  • Ngoài ra, trong một số hình thái Glôcôm đặc biệt, bác sĩ sẽ có những chỉ định điều trị khác nhau. Một số trường hợp Glôcôm tái phát nặng, có thể phải mổ đặt ống dẫn lưu hoặc quang đông thể mi.

Quy trình phẫu thuật cắt bè củng giác mạc điều trị bệnh Glôcôm

Phương pháp mổ cắt bè củng giác mạc là một phẫu thuật xâm lấn ở mắt nhằm tạo lỗ rò bằng việc cắt bỏ một phần rất nhỏ của mống mắt để tạo ra một đường thông từ phía góc tiền phòng vào bên trong khoang dưới kết mạc. Từ đó giúp dẫn lưu thuỷ dịch trong mắt ra ngoài và giúp hạ nhãn áp cho bệnh nhân glocom.
Quy trình phẫu thuật gồm 10 bước như sau:
  • Bước 1: Gây tê tại chỗ hoặc gây mê
  • Bước 2: Bộc lộ vùng phẫu thuật. Tiến hành mở kết mạc
  • Bước 3: Tạo vạt cho củng mạc. Thông thường vạt sẽ có kích thước 3 x 4mm và chiều sâu sẽ bằng 3/4 chiều đáy của củng mạc.
  • Bước 4: Tiến hành chọc tiền phòng, hạ nhãn áp một cách từ từ
  • Bước 5: Cắt bè củng mạc với kích thước siêu nhỏ 1x 2mm
  • Bước 6: Cắt mống mắt chu biên
  • Bước 7: Tiến hành khâu phục hồi và đậy nắp củng mạc
  • Bước 8: Khâu, phục hồi lại kết mạc.
  • Bước 9: Bác sĩ sẽ tiến hành tái tạo lại góc tiền phòng bằng một số dung dịch chuyên dụng
  • Bước 10: Bệnh nhân được tiêm kháng sinh và kháng viêm corticoid, kết thúc quá trình phẫu thuật, người bệnh được đưa về phòng hậu phẫu.
sau-dieu-tri-glocom
Sau phẫu thuật Glôcôm thị lực sẽ được cải thiện hơn

Ưu điểm của phẫu thuật Glôcôm điều trị tăng nhãn áp

Ưu điểm của phương pháp Cắt bè củng giác mạc hay phương pháp phẫu thuật khác trong điều trị glôcôm tăng nhãn áp đều giúp bảo vệ chức năng thị giác còn lại của người bệnh, tránh nguy cơ mù lòa.

Lưu ý sau phẫu thuật Glôcôm

  • Rửa tay sạch bằng xà phòng trước khi tra thuốc, không đưa tay bẩn chạm vào mắt
  • Tránh các hoạt động gây va chạm vào mắt như: Nằm vắt tay lên trán, tư thế nằm sấp hay vận động mạnh…
  • Thường xuyên vệ sinh mắt hàng ngày, nên đeo kính thường xuyên để bảo vệ mắt tránh khỏi các tác nhân gây hại từ môi trường bên ngoài.
  • Tra thuốc đầy đủ và đúng thứ tự theo hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ
  • Để mắt nghỉ ngơi nhiều hơn, hạn chế điều tiết. Hạn chế lo lắng, suy nghĩ, tâm lý phải luôn thoải mái để không tác động, căng thẳng đến dây thần kinh thị giác.
  • Thiết lập chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng cho mắt và cơ thể, không ăn kiêng trong thời gian này, tránh xa các gia vị có tính cay nóng cùng các chất kích thích nguy hại như: Rượu, bia, thuốc lá, cà phê…
  • Tái khám theo đúng lịch hẹn của bác sĩ để theo dõi quá trình hồi phục của mắt cũng như phát hiện sớm những biến chứng có thể gặp phải để có biện pháp khắc phục sớm
Khi phát hiện các dấu hiệu bất thường ở mắt như: Đau nhức mắt, thị lực suy giảm đột ngột… cần đến ngay cơ sở y tế chuyên nhãn khoa để được thăm khám, kiểm tra và xử lý kịp thời.
Hiện nay, bệnh Glôcôm chưa có phương pháp nào giúp điều trị khỏi hoàn toàn bệnh. Dù bệnh nhân đã phẫu thuật, bệnh vẫn có khả năng tiến triển. Vì vậy, việc tái khám mắt định kỳ, thường xuyên là cần thiết để theo dõi và đánh giá chức năng thị giác, cũng như phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường tại mắt.
Liên hệ tổng đài 1900.63.80.85 để được tư vấn chi tiết về dịch vụ phẫu thuật Glôcôm, giải đáp miễn phí các thắc mắc, đặt lịch khám và hưởng trọn các ưu đãi hiện hành.

CẢM NHẬN KHÁCH HÀNG

tai-kham-sau-mo-phaco
tham-kham-truoc-mo-phaco
sau-mo-phaco
sau-mo-phaco

Chương trình ưu đãi đang có:

ĐẶT HẸN NGAY HÔM NAY

    HOẶC GỌI VỀ 1900.63.80.85